Sáu tháng đầu năm 2025, mặc dù lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn như chất lượng con giống, thức ăn, hóa chất, vật tư tăng cao, giá thành sản phẩm không ổn định… làm giảm hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, ngành thủy sản Thanh Hóa vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan.

Theo đó, 6 tháng qua, diện tích thủy sản ước đạt 19.200ha, đạt 100% kế hoạch. Trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là 4,200ha, nuôi tôm chân trắng công nghệ cao là 1.000 ha, còn lại là ngao, cá biển. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt gần 39.029 tấn, đạt trên 51% kế hoạch và bằng 103,11% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng tích cực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, tạo điều kiện để ngư dân, hợp tác xã áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2021 đến tháng 6/2025, toàn tỉnh đã tập trung xây dựng 10 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích gần 1200 ha tại nhiều địa phương trong tỉnh. Các vùng nuôi này đã chuyển đổi từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang thâm canh, siêu thâm canh theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Hiện nay, Chi cục Biển đảo và Thủy sản tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh tập trung thu hút đầu tư để tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh và ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ đất đai đầu tư nuôi trồng thủy sản, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch cả năm, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đề nghị UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản cần chú trọng tổ chức lại sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất; tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ; thực hiện tốt công tác thống kê và dự báo về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, việc tích cực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nuôi, chuyển đổi từ nuôi trồng quảng canh sang thâm canh theo hướng công nghệ cao được xem là hướng đi tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.