Từ ngày 1/7/2025, Phú Quý chính thức trở thành đặc khu duy nhất của tỉnh Lâm Đồng. Việc thành lập đặc khu Phú Quý mở ra giai đoạn phát triển mới, tạo niềm tin và kỳ vọng lớn trong nhân dân về một tương lai phát triển bền vững của vùng biển đảo này.
Với vị trí địa lý đặc thù và bao quanh là ngư trường rộng lớn, thời gian qua Phú Quý tiếp tục tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển để từng bước phát triển vươn lên.
Phú Quý xác định khai thác hải sản vẫn là ngành chủ lực, qua đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhằm tận dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có…

Theo chính quyền địa phương, khi chưa sáp nhập chính quyền 2 cấp, năng lực tàu cá của Phú Quý có khoảng 1.740 chiếc, trong đó chủ yếu là tàu cá từ 6 m trở lên do Chi cục Thủy sản quản lý với 1.635 chiếc.
Tính riêng số lượng tàu cá từ 15 m đến dưới 24 m có 540 chiếc, tàu cá từ 24 m đến dưới 30 m là 20 chiếc và tàu cá từ 30 m trở lên có 14 chiếc.
Trong nửa đầu năm 2025, dù thời tiết không thuận lợi nhưng sản lượng đánh bắt hải sản của Phú Quý vẫn ước đạt 17.000 tấn (chủ yếu là cá, mực) và bằng 56,67% kế hoạch năm.
Cùng thời gian, địa phương cũng quan tâm theo dõi quản lý các chủ phương tiện tàu cá đánh bắt xa bờ, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng các quy định về tham gia hoạt động khai thác trên biển. Đồng thời, chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững gắn với thực hiện tốt công tác quản lý lồng bè, góp phần đa dạng hóa nguồn lợi và bảo vệ môi trường biển…
Đặc biệt, với vị trí địa lý đặc thù, Phú Quý có thể trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở một khu vực ngư trường rộng lớn gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngoài ra, khi được đầu tư phát triển theo định hướng, điểm đến Phú Quý sẽ ngày càng hút khách du lịch nhờ các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo như khám phá cảnh quan thiên nhiên kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm hoạt động thể thao trên biển (chèo Sup, lặn ngắm san hô), tham quan và thưởng thức hải đặc sản trên lồng bè…
Trong thời gian tới, thế mạnh kinh tế biển của Phú Quý tiếp tục được địa phương này khẳng định với các ngành chủ lực như khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản, chế biến hải sản xuất khẩu. Các ngành này đang mang lại giá trị gia tăng cao, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương.
Có thể nói, việc đặc khu chính thức đi vào hoạt động, người dân và chính quyền Phú Quý cũng đặt nhiều kỳ vọng vào một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, nâng cao đời sống người dân vùng biển, phát triển kinh tế biển bền vững và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.