Hướng tới trở thành khu kinh tế biển đa ngành
Để trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển thịnh vượng, an ninh và an toàn, Vân Đồn đang tập trung phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, đưa Vân Đồn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của tỉnh, là cửa ngõ động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Huyện đảo Vân Đồn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh với diện tích tự nhiên 550 km2, bao gồm hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó nhiều đảo như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng được ví như “viên ngọc thô” chưa được mài giũa, có nguồn lợi thủy hải sản phong phú. Nơi đây có vịnh biển, có núi, có vườn quốc gia, có bờ cát dài trắng mịn, có khí hậu mát mẻ quanh năm, có thể coi là nơi giao hòa của núi rừng Đông Bắc và Vịnh xanh Bái Tử Long. Từ những lợi thế đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt chiến lược phát triển Vân Đồn đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Theo đó, Vân Đồn sẽ trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp, là đô thị đồng bộ về hạ tầng xanh, bền vững.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, trong những năm qua, Vân Đồn đã hiện thực hóa Quyết định 266 ngày 17/2/2020 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển Vân Đồn đến năm 2040. Đến thời điểm này, huyện xác định xây dựng kinh tế biển trở thành lĩnh vực chủ đạo, tập trung khai thác giá trị tiềm năng về thiên nhiên của khu vực Vịnh Bái Tử Long, phát triển lĩnh vực về du lịch chất lượng cao có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản.
Chỉ trong nửa đầu năm nay, Vân Đồn đã đón trên 2 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt gần 1.500 tỉ đồng. Thời gian gần đây, việc xây dựng các dự án lưu trú chất lượng cao đã được đẩy mạnh, trong đó có các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Hiện nay Vân Đồn đã có 200 cơ sở lưu trú.
Vịnh Bái Tử Long của huyện Vân Đồn nằm liền kề bên Vịnh Hạ Long nhưng Vịnh Bái Tử Long khác biệt hoàn toàn bởi nét riêng về sự hoang sơ, về những đảo đất gắn với đời sống văn hóa của người dân bản địa, về dấu ấn đậm nét của nền văn hóa Hạ Long hình thành từ nghìn năm trước. Nằm trong chiến lược phát triển du lịch biển bền vững của tỉnh, Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu giảm tải cho Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long sẽ là vịnh xanh chào đón du khách đến với biển trong một hành trình trải nghiệm và cảm xúc hoàn toàn mới lạ.
Trong tháng 3/2025, Quảng Ninh đã công bố 3 hành trình kết nối Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Vào dịp lễ 30/4, các hành trình du lịch Vịnh Bái Tử Long đã chính thức được khai trương, tạo ra chương trình phát triển mới cho du lịch biển Vân Đồn, tạo nên lực đẩy quan trọng cho vùng kinh tế biển Vân Đồn. Trước đó, Vân Đồn đã chuẩn bị các điều kiện về cảng bến, đường giao thông đến các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp để phục vụ phát triển du lịch Vịnh Bái Tử Long.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, thời gian qua huyện đã phối hợp với các sở ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác các tàu thăm Vịnh, tàu nghỉ đêm trên Vịnh để tổ chức khai trương hành trình thăm quan Vịnh Bái Tử Long. Đây cũng là một trong những hướng mới mở ra cho du lịch Vân Đồn phát triển trong thời gian tới.
Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản chất lượng cao
Biển Vân Đồn giàu đẹp và nhiều nguồn lợi thủy sản, người dân Vân Đồn giỏi làm nghề biển, chính quyền Vân Đồn đã giao những khu vực biển đã quy hoạch cho người dân, doanh nghiệp. Đó là cơ sở để Vân Đồn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững và giá trị cao, từng bước hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản rộng lớn. Thời điểm hiện nay, vùng nuôi nhuyễn thể của Vân Đồn lên tới hơn 3000 ha, nằm trong số những vùng nuôi nhuyễn thể lớn nhất cả nước.
Mấy năm gần đây, UBND huyện Vân Đồn đã chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền vận động các hộ nuôi trồng thuỷ sản tham gia thành lập doanh nghiệp, HTX hình thành vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung theo vùng, theo đối tượng nuôi sản xuất hàng hoá lớn theo chuỗi giá trị. Hiện, huyện có tổng số 96 HTX với 1.189 thành viên và đang có thêm 8 doanh nghiệp đề nghị nghiên cứu lập dự án nuôi trồng thuỷ sản.
Theo báo cáo của huyện Vân Đồn, riêng trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, toàn huyện thu hoạch trên 10.000 tấn hàu, mang lại giá trị trên dưới 200 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2025, Vân Đồn sẽ thu hoạch gần 100 nghìn tấn thủy hải sản nuôi các loại. Lĩnh vực khai thác thủy hải sản trên vùng biển của huyện đang mang lại việc làm và thu nhập cho số đông người dân Vân Đồn, góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội. Đồng thời, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của huyện Vân Đồn.
Kinh tế du lịch, kinh tế thủy sản được đưa vào khai thác theo chiều sâu. Gắn khai thác với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là mục tiêu phát triển kinh tế biển chủ đạo của huyện. Đây cũng là nền tảng để Vân Đồn trở thành đô thị đảo xanh, đô thị thông minh, trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực, hướng tới một đô thị biển đảo thông minh, trung tâm du lịch dịch vụ cao cấp của tỉnh và của cả khu vực phía Bắc.