Trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu có nhiều điều kiện tương đồng và từ lâu được biết đến như những thủ phủ của ngành thủy sản Việt Nam. Và giờ đây, chủ trương hợp nhất hai tỉnh không chỉ nhận được sự đồng thuận của người dân mà còn mở ra cơ hội mới trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh giúp phát triển kinh tế biển của vùng đất cực Nam.

W-anh tin ca mau.jpg
Việc sáp nhập Bạc Liêu và Cà Mau tạo ra một tỉnh Cà Mau mới với tiềm năng kinh tế biển rất lớn, hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển quan trọng của khu vực và cả nước. 

Cà Mau hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi tôm với 280 ngàn ha. Trong đó nổi bật là các mô hình nuôi tôm rừng, tôm lúa và nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao. Cà Mau trở thành địa phương mạnh về biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, du lịch, năng lượng tái tạo, hàng hải; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế.

Bạc Liêu được xác định là trung tâm công nghiệp ngành tôm. Cả hai tỉnh đều có hệ thống nhà máy chế biến xuất khẩu hiện đại với kim ngạch trên 2,3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Tỉnh Bạc Liêu có diện tích đất tự nhiên hơn 2.660 km2 với bờ biển dài 56 km, với 3 cửa biển lớn (Nhà Mát, Cái Cùng, Gành Hào) và vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 20.742 km2. Bạc Liêu thời gian qua được biết đến là khu vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm, với quy mô lớn và công nghệ cao, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia.

Cả hai tỉnh đều phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tỉnh Cà Mau mới với gần 450.000 ha diện tích nuôi trồng, khai thác thủy hải sản sẽ dẫn đầu cả nước; kim ngạch xuất khẩu tôm, thị trường nguồn lực cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận với không gian tỉnh mới nhiều tiềm năng và cơ hội mới. Đây là một lợi thế, tiềm lực lớn cần được ủng hộ để phát triển lâu dài, mang tính cạnh tranh trong nước, quốc tế, cùng chung sức đưa thương hiệu tôm Cà Mau đến các thị trường tiềm năng, khó tính nhất của thế giới…

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi sáp nhập, tỉnh Cà Mau mới có diện tích nuôi trồng thủy sản rất lớn, khoảng 450 ngàn ha với sản lượng khoảng 570 ngàn tấn/năm. Đây là điều kiện rất tốt để Cà Mau tăng tốc trở thành địa phương đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản.