“Điều kiện kinh doanh bây giờ lên đến 15.802. Tôi không bao giờ quên con số đó. Thật kinh hoàng”, bà nói.

Cách đây hơn 25 năm, trong vai trò là thành viên của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2000, bà Chi Lan và các đồng sự đã rà soát hàng trăm điều kiện kinh doanh, trong đó gần 400 điều kiện đã được Thủ tướng Phan Văn Khải bãi bỏ trong hai văn bản, mở ra một thời kỳ bùng nổ của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam lúc đó.

Số điều kiện kinh doanh “kinh hoàng” mà bà Chi Lan nhắc đến nằm trong một văn bản rà soát của các bộ, ngành và gần như trùng khớp với 15.763 điều kiện kinh doanh mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp cận được từ một báo cáo gần đây của Chính phủ.

Trong nỗ lực bền bỉ suốt nhiều năm, các Chính phủ qua các nhiệm kỳ đã liên tục ban hành các Nghị quyết 01, 02 và 19 hằng năm nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, với mục tiêu khơi thông dòng vốn trong dân.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020–2025.

Tuy nhiên, dường như nỗ lực đó là chưa đủ. Điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, các tiêu chuẩn và quy chuẩn không cần thiết vẫn “mọc như nấm sau mưa” trong nhiều loại văn bản pháp luật.

hoi nghi toan quoc quan triet trien khai thuc hien nghi quyet 66 68 11.jpg
Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của VCCI dẫn lại từ văn bản của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.195 quy định kinh doanh trên tổng số 15.763 – đạt tỷ lệ 20,2%.

Vấn đề là, số điều kiện kinh doanh nêu trên được phát hiện sau khi rà soát 281 văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn hơn nhiều: Quốc hội đã ban hành 213 luật, bộ luật đang có hiệu lực; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng nghìn nghị định, quyết định; các bộ, ngành đã ban hành hàng vạn thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Nếu rà soát toàn bộ hệ thống văn bản trên, số điều kiện kinh doanh chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 15.763.

Ngay cả tỷ lệ cắt giảm 20,2% nêu trên, theo đánh giá của VCCI, cũng không thực chất; phần lớn các quy định bị cắt bỏ là nhỏ lẻ, vụn vặt, thậm chí đã hết hiệu lực.

Đất đai và hàng núi thủ tục

Chỉ riêng trong lĩnh vực đất đai đã tồn tại hàng núi thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn, không tương thích, đến mức gần 74% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, theo khảo sát của VCCI.

Trong lĩnh vực này, có khoảng 12 luật, hơn 20 nghị định, và không biết bao nhiêu thông tư điều chỉnh đối với một dự án đầu tư có sử dụng đất – từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi thực hiện và kết thúc dự án.

Việc tra cứu và xác định chính xác các quy định đang có hiệu lực là điều rất khó khăn, do nhiều văn bản có các điều khoản bị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ trong các văn bản khác – nhất là trong bối cảnh việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung diễn ra nhanh chóng và theo từng đợt rà soát mà các cơ quan nhà nước thực hiện.

Bên cạnh đó, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư lại làm dày thêm các rào cản kinh doanh, khiến doanh nghiệp không biết xoay sở thế nào trong suốt hơn hai thập kỷ qua.

Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội cuối năm 2024, được báo chí trích dẫn, cho biết: thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư dự án từ khi chấp thuận chủ trương đến khi triển khai đầu tư xây dựng mất từ 4 đến 5 năm.

Một dự án mà mất tới 4–5 năm, thậm chí đến 20 năm mới xong thủ tục để triển khai thì còn đâu động lực và cơ hội phát triển?

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra rằng hiện có 2.200 dự án với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng (khoảng 235 tỷ USD) và hơn 300.000 ha đất đang bị ách tắc trên toàn quốc.

Mà đó hoàn toàn là "ta trói ta".

Khôi phục quyền tự do kinh doanh đã hiến định

Năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã lập ra Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp để thực hiện tinh thần cải cách mang tính bước ngoặt của luật này: “Người dân có thể làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm”, thay cho quan điểm cũ là “Người dân chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép” – một tư duy đã kìm hãm sự phát triển suốt nhiều thập kỷ.

Tổ công tác khi ấy đã đi khắp “hang cùng ngõ hẻm” để dọn dẹp giấy phép con, và chỉ trong thời gian ngắn đã xóa bỏ được khoảng một nửa số giấy phép con. Thành công này góp phần làm tăng trưởng mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp tư nhân trong 5-7 năm đầu kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực.

Tuy nhiên, cách làm này dường như không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, sau 25 năm, khi Luật Doanh nghiệp đã bị che mờ bởi rất nhiều luật chuyên ngành khác, và đặc biệt là cơ quan chủ trì – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nay không còn tồn tại như trước.

Nạn giấy phép con mọc lên với tốc độ nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Cần phải thay đổi từ gốc cách thức xóa bỏ giấy phép con mới mong cải thiện được môi trường kinh doanh như kỳ vọng.

Nhà nghiên cứu Hải Lộc khẳng định: “Việc các cơ quan quản lý nhà nước ban hành tràn lan giấy phép con là vi phạm Hiến pháp, bởi Điều 33 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm".

“Những điều kiện kinh doanh vi hiến phải được gỡ bỏ. Cần có chế tài đối với những cán bộ tham mưu, ban hành các điều kiện kinh doanh vi hiến đó”, ông nói.

Nếu thực thi đúng quy định của Hiến pháp, cơ quan quản lý nhà nước cấp trên chỉ cần kiểm tra ai vi phạm Hiến pháp thì xử lý người đó, đồng thời xóa bỏ luôn các “sản phẩm” vi hiến do người đó ban hành. Không nên lập đoàn đến tận nơi “thương lượng” với người vi phạm Hiến pháp để họ cắt giảm giấy phép con - trong khi thực tế là cắt giảm giấy phép này thì chính họ lại “sáng tác” ra hàng loạt giấy phép con khác, như đã từng làm trong nhiều năm qua...

“Làm như vậy, chúng ta tiết kiệm được không biết bao nhiêu công sức, tiền của của dân, mà lại xử lý được tận gốc vấn đề”, ông nói.

Cần một định chế độc lập, khách quan

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhận xét: Cách thức cắt bỏ điều kiện kinh doanh lâu nay vẫn dựa vào bộ máy hành chính nhà nước – các kế hoạch hành động do Chính phủ, bộ ngành, địa phương ban hành.

Do chỉ là hoạt động nội bộ, việc cắt giảm không thể loại bỏ triệt để tư duy, quan điểm quản lý và thậm chí cả lợi ích cục bộ của các bộ ngành. Kết quả rà soát do đó thiếu khách quan, độc lập và không đáp ứng được tinh thần triệt để của Nghị quyết 68-NQ/TW.

“Cần có sự chỉ đạo áp đặt từ trên xuống trong việc thực hiện Nghị quyết 68, giống như cách làm trong tinh giản bộ máy, hay như thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, ông nói.

Ông Cung cho rằng, Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 là một cuộc cách mạng về tinh giản quy định. Điều này đòi hỏi phải bãi bỏ nhiều quy định, văn bản pháp luật, và nội dung trong các văn bản, nhằm chấm dứt cơ chế “xin – cho”, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đây là thay đổi mang tính bước ngoặt của thể chế và phương thức quản lý nhà nước, nên cần một hệ thống thể chế đáp ứng yêu cầu mới.

“Tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nên thành lập một tổ công tác đặc biệt với thành phần chủ yếu là các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, tâm huyết và hiểu biết về cải cách pháp luật, cải cách thể chế. Tổ này cũng cần có đại diện doanh nghiệp, và phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng để thực hiện rà soát. Có như vậy, năm 2025 mới có thể hoàn thành yêu cầu rà soát toàn bộ các quy định về điều kiện kinh doanh”, ông nói.

Việc này đặc biệt quan trọng, vì để thực hiện được mục tiêu bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh, giảm 30% chi phí tuân thủ, thì trước hết phải xác định được: 30% của con số nào?.

Xem lại bài 1: Phá bỏ lời nguyền ‘điểm nghẽn thể chế’