
Đến khi hai nhà lãnh đạo khẳng định: “Đột phá về thể chế là đột phá của đột phá", thì cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam “vỡ òa” bởi niềm tin về một môi trường kinh doanh và sinh sống được hứa hẹn sẽ trở nên thuận lợi và tốt đẹp hàng đầu thế giới.
Lòng tin đó đã được thể hiện trên báo chí, trong các cuộc thảo luận và nhất là trong Hội nghị toàn quốc cuối tuần trước, nơi Tổng Bí thư khẳng định 4 nghị quyết của Đảng vừa ban hành như là "bộ tứ trụ cột" để giúp đất nước cất cánh.
Thể chế ở đây là hệ thống luật pháp hiện hành, vốn ngày càng trở nên rối rắm, phức tạp, khó tuân thủ và tạo ra chi phí tuân thủ rất đắt đỏ cho người dân và doanh nghiệp.
Từ ‘đột phá chiến lược’ đến ‘đột phá của đột phá’
Kể từ Đại hội XI năm 2011, yếu kém về thể chế đã được xác định là một trong ba điểm nghẽn chiến lược, cùng với cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Đột phá thể chế là một trong ba đột phá chiến lược đã được đưa ra như một ưu tiên xuyên suốt nhiều kỳ đại hội từ đó đến nay.
Văn kiện Đại hội XIII đã xác định cải cách thể chế tiếp tục là “đột phá chiến lược”: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh, hiệu quả; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
Tuy vậy, những chủ trương, định hướng rất tiến bộ về xây dựng thể chế như trên “chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ”, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định.
Kể từ đó đến nay, chúng ta loay hoay sửa lỗi thể chế bằng các biện pháp như nghị quyết đặc thù, một luật sửa nhiều luật, luật rút gọn, các nghị quyết cải cách môi trường kinh doanh hàng năm… nhưng chưa giải quyết được nút thắt thể chế. Không ít luật phải sửa đi sửa lại nhiều lần.
Chẳng hạn, để vượt qua những nút thắt do chính hệ thống pháp luật tạo ra, Quốc hội đã phải ban hành nghị quyết đặc thù cho 10 địa phương, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, TP.HCM và Cần Thơ.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thốt lên: “Cả 10 tỉnh đều xin cơ chế thì không thể gọi là đặc thù”.
Mà các “cơ chế đặc thù” quanh đi quẩn lại cũng chỉ xoay quanh việc xin phân cấp cho địa phương quyền tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án; phân cấp về quản lý đất đai, đất rừng, đất lúa; phân cấp cấp phép khu công nghiệp; hay xin ngân sách trung ương hỗ trợ.
Ông nói: “Tất cả các tỉnh, thành đều đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, cùng là những nội dung này, thì cần xem xét. Việc phân cấp phải thực hiện nhiều hơn để làm sao trung ương phát huy vai trò chủ đạo, còn địa phương mang tính chủ động nhiều hơn”.
Hệ thống luật pháp, lẽ ra phải bình đẳng trên tầm cỡ quốc gia, đã bị “xé lẻ” cho nhiều địa phương. Hay nói cách khác, không ít luật pháp hiện nay đã trở thành chiếc vòng kim cô trói buộc phát triển, đến mức phải ban hành cơ chế đặc thù cho 10 địa phương đó – và nay còn 6 tỉnh sau sáp nhập tới đây.
Thật đáng tiếc, chưa bao giờ chúng ta có tổng kết để trả lời câu hỏi: Địa phương nào được hưởng quy chế đặc thù đã thực sự cất cánh, xây thêm nhiều cơ sở hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư, tăng trưởng cao và bền vững.
“Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” ở rất nhiều lĩnh vực
Nói đến điểm nghẽn của điểm nghẽn, phải bắt đầu từ công tác xây dựng pháp luật, vốn lâu nay khá khép kín bởi các bộ, ngành. Kể cả quy trình này được mở ra để “lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp” cũng thường chỉ nhận được sự thờ ơ của xã hội.
Trong lĩnh vực đầu tư chẳng hạn, 4 luật là: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vừa được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 12/2024. Lúc đó, các nhà hoạch định chính sách khẳng định việc sửa đổi 4 luật này sẽ tạo “đột phá” trong cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Chỉ vỏn vẹn 5 tháng sau, tại kỳ họp Quốc hội lần này, 3/4 luật trên (trừ Luật Doanh nghiệp) lại được đưa vào chương trình sửa đổi, cùng với việc tiếp tục sửa Luật Đấu thầu.
Tất nhiên, theo tinh thần “vướng đâu, sửa đó” thì việc sửa đổi là cần thiết. Nhưng cách làm này cho thấy sự cơi nới, hơn là một tư duy “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, như Nghị quyết 68 đã yêu cầu.
Vấn đề là không ít luật trong các lĩnh vực khác cũng được sửa đổi nhiều lần, thời gian sửa đổi ngày càng rút ngắn, nhưng chất lượng của luật được sửa đổi vẫn không giúp tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, trong khi tiếp tục đặt gánh nặng thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Theo thống kê của Bộ Tư pháp, có tới 32% số văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong 5 năm gần đây đã phải sửa đổi, bổ sung trong vòng 2 năm sau khi có hiệu lực.
Tình trạng quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, không rõ ràng chưa được khắc phục triệt để, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Vì sao quy định của pháp luật lại rắc rối đến mức có tới 2.200 dự án với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng (235 tỷ USD) và hơn 300.000 ha đất đang ách tắc trên toàn quốc?
Xin lưu ý rằng, những quy định nút thắt về visa, đăng kiểm kéo dài hàng chục năm nay gây khốn khó cho người dân và doanh nghiệp, lại không đảm bảo gì đến “hiệu lực, hiệu quả” của quản lý Nhà nước chỉ được bãi bỏ sau khi các quan chức phụ trách ngành phải “vào lò” vì tội tham nhũng, “thiếu trách nhiệm” hay “trục lợi”.
Mà những quy trình, thủ tục mang tính chất xin – cho, cấp – phát như vậy vẫn đang tồn tại ở hầu khắp các lĩnh vực.
Một tầm nhìn mới
Gần 15 năm trôi qua kể từ Đại hội XI năm 2011 đến nay, nhưng thể chế vẫn chưa được cải thiện và ngày càng trở thành trở lực lớn cho phát triển.
Nhìn ở phạm vi toàn cầu, thế giới đang chuyển biến sâu sắc về địa chính trị, địa kinh tế, khoa học công nghệ.
Trước thực tiễn trong và ngoài nước đó, công cuộc đổi mới, cải cách hiện nay là yêu cầu khách quan của phát triển, là “mệnh lệnh cho tương lai dân tộc”, như Tổng Bí thư nói.
“Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy”.
“Chỉ có cải cách quyết liệt, bền bỉ và hiệu quả mới giúp đất nước ta vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới”.
Kì tới: Phải lấy đá ghè chân mình


