Tỉnh Ninh Thuận có đường bờ biển dài trên 105 km và có vùng biển rộng là lợi thế để đẩy mạnh phát triển sản xuất giống thủy sản và nuôi biển như cá biển, các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao. Nắm bắt lợi thế này, những năm gần đây, xu hướng nuôi biển xa bờ được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư, đã mở ra triển vọng phát triển mới cho nghề nuôi biển của tỉnh.

Nhiều ngư dân ở xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) cho hay, việc đầu tư lồng nuôi mực bán tự nhiên bằng công nghệ HDPE tại vùng biển C3 trên địa bàn huyện đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ nét, trung bình mỗi lồng cho sản lượng đạt 7 tấn mực, đem lại thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/vụ. 

Anh Đặng Vũ Khoa ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cho biết, gia đình anh nuôi 8 bè giống hàu Thái Bình Dương trên khu vực Đầm Nại. Mỗi bè có diện tích khoảng 100 m2. Nhờ nuôi luân phiên nên gia đình thu hoạch hàu quanh năm với sản lượng bình quân đạt từ 3 - 4 tấn hàu/bè. Thương lái thu mua với giá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại, sau khi trừ chi phí đầu tư mỗi bè cho lợi nhuận trên 30 triệu đồng/đợt thu hoạch.

Được biết, khu vực Đầm Nại rất thuận lợi cho việc nuôi hàu nhờ điều kiện độ mặn nước biển phù hợp, ít sóng gió và mật độ tàu thuyền qua lại thấp. Quy trình nuôi bắt đầu bằng việc nhập hàu giống, sau đó cấy 4 - 5 con lên mỗi dây giá thể, cột vào bè và thả xuống nước. Trong suốt quá trình nuôi, người nuôi cần lên bè vệ sinh giá thể hàng ngày để hàu nhanh lớn. Hàu chỉ ăn tảo tự nhiên có sẵn nên không tốn chi phí thức ăn và có thể thu hoạch sau khoảng 4 tháng. Sau khi tách lấy ruột, vỏ hàu có thể bán lại cho các cơ sở làm giá thể cấy hàu giống mới, phương pháp này vừa an toàn, vừa thân thiện với môi trường nước.

W-159289965_264402441862232_3828276669479920221_n.jpg
Ninh Thuận có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phát triển sản xuất giống thủy sản và nuôi biển cũng như các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao.

Hiện tại, tỉnh Ninh Thuận có gần 130 bè với khoảng 2.400 lồng nổi và khoảng 1.000 lồng chìm đang nuôi tôm hùm tại các khu vực biển Bình Tiên, Mỹ Tân, vùng C1, C2, An Hải, Cà Ná; khoảng 800 lồng bè nuôi cá biển và trên 1.000 bè nuôi hàu Thái Bình Dương tại khu vực Đầm Nại.

 Ước tính sản lượng thủy sản nuôi trồng trong quý I/2025 của tỉnh đạt trên 1.880 tấn, tăng 8,4% so cùng kỳ; trong đó, tôm thương phẩm 511 tấn; ốc hương thương phẩm 599 tấn; hàu, cua, ghẹ 495 tấn; tôm hùm 36 tấn; cá nước mặn trên đất liền 47,5 tấn; cá nước mặn trên biển 109 tấn. 

Nhằm hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển phát triển hơn nữa, theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đã đề ra giải pháp về cơ chế chính sách vay vốn ưu đãi tín dụng để hỗ trợ người nuôi chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang mô hình nuôi biển công nghệ cao như lồng HDPE và các công nghệ khác; chính sách bảo hiểm cho người lao động và cơ sở nuôi biển...

Theo đó, những hộ dân đăng ký nuôi trong vùng quy hoạch với số lượng, sản lượng dự kiến sẽ được hỗ trợ một phần thiệt hại; áp dụng gia hạn nợ để khắc phục và tái sản xuất trong trường hợp xảy ra rủi ro, sự cố bất thường như bão lũ, động đất, dịch bệnh.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng cơ chế liên kết giữa nuôi biển và các ngành kinh tế khác như du lịch, vận tải, khai thác, chế biến để tận dụng hạ tầng và hỗ trợ hoạt động sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực trên biển. Tỉnh đặc biệt ưu tiên phát triển công nghệ và đội tàu chuyên dụng để vận chuyển sản phẩm nuôi biển sống, giá trị cao đến thị trường trong, ngoài nước. 

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để gia tăng giá trị và phát triển nghề nuôi biển bền vững, trước đó tỉnh đã ban hành Quyết định số 1752/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quản lý và phát triển vùng nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án cũng quy định rõ lồng nuôi biển, sử dụng lồng nuôi HDPE, trong đó, thiết kế từ 10-20 lồng/cụm đối với lồng vuông HDPE (ở vùng nuôi biển chuyên cạnh C1) có kích thước mỗi lồng từ 4x4m hoặc 3x4m; thiết kế từ 2-10 lồng/cụm đối với lồng tròn HDPE có chu vi 50m; có khoảng cách giữa các lồng nuôi để phù hợp với từng phân cụm và từng đối tượng nuôi.

Dự kiến, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư đồng bộ các khâu vào phát triển nuôi biển công nghệ cao; trong đó, ưu tiên các mô hình tổ chức liên kết, liên doanh sản xuất giữa các khâu từ ương giống, sản xuất cung cấp thức ăn, nuôi thương phẩm, tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm.