Mở ra hướng đi mới
Đề án Phát triển nuôi biển giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đặt mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, gắn với phát triển du lịch, quốc phòng và an ninh vùng biển, hải đảo; góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Để thực hiện mục tiêu đó, những năm qua Thành phố Phú Quốc đã dành nhiều nguồn lực để chuyển đổi mô hình từ khai thác, đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Nhờ đó, sản lượng nuôi trồng tại đây tăng bình quân 11,2% mỗi năm với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như các loại cá bóp, mú, chim, hồng Mỹ; các loại ốc hương, ngọc trai và một số loại nhuyễn thể. Nghề nuôi biển không chỉ mở ra hướng đi mới mà còn giúp đời sống người dân địa phương ngày càng khấm khá.

Ông Phù Văn Bao, ở ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, Thành phố Phú Quốc có thâm niên làm nghề khai thác hải sản hàng chục năm. Khi đánh bắt ngày càng khó khăn do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ông Bao bắt đầu chuyển sang đầu tư nuôi cá biển. Ông chọn vùng biển ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu để neo lồng nuôi cá với diện tích mặt nước biển hơn 1ha, kết hợp với làm nhà bè để phục vụ khách du lịch tham quan, ăn uống. Nhờ chuyển đổi sang nuôi biển mà kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá hơn.
Ông Đoàn Văn Săng, Trưởng ấp Rạch Vẹm cho hay, ấp hiện có 172 hộ với hơn 700 nhân khẩu, hầu hết đều sinh sống nhờ vào các nhà bè. Mô hình kết hợp nuôi biển với dịch vụ đã tạo việc làm và thu nhập cho người dân, bình quân đạt từ 500-600 nghìn đồng mỗi ngày. Ngay cả người đã qua tuổi lao động cũng có thể tham gia làm việc, nhờ vậy đến nay ấp không còn hộ nghèo.
Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản bền vững
Hiện, mô hình nuôi biển kết hợp dịch vụ ở Thành phố Phú Quốc đã từng bước được hướng dẫn, tập huấn về bảo vệ môi trường biển. Theo đó, tại các nhà bè, rác thải và ni-lông đều được gom lại, vận chuyển vào bờ để xử lý. Song, phần lớn nhà bè hiện nay vẫn mang tính tự phát, được lắp dựng bằng vật liệu đơn giản như thùng phuy, cây keo, lưới thông thường... Nhiều hộ dân có mong muốn đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ hiện đại song do chính quyền chưa giao mặt nước cụ thể cho các hộ nuôi trồng cho nên người dân chưa yên tâm đầu tư lớn.
Trước đây khi chưa có quy hoạch, người dân chủ yếu nuôi tự phát gần bờ. Khi có yêu cầu phải nuôi cách bờ từ 600 đến 750m, mọi người đều nghiêm túc thực hiện. Sau đó, khoảng cách được nâng lên 1.000m, người dân cũng cố gắng thực hiện, nhưng hiện nay lại có chủ trương di dời cách bờ 1.200m. Càng ra xa, càng đòi hỏi đầu tư lớn, trong khi việc thay đổi quy định liên tục khiến các xã viên gặp nhiều khó khăn.
Theo kế hoạch phát triển nuôi biển giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030 của Thành phố Phú Quốc, tổng diện tích quy hoạch nuôi biển toàn thành phố lên tới hơn 1.245ha.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở nuôi biển với đối tượng, hình thức nuôi khác nhau trên địa bàn thành phố được bố trí, sắp xếp phân vùng nuôi hợp lý, tất cả cơ sở nuôi thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký nuôi biển theo quy định, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý khoa học, chặt chẽ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sự phát triển bền vững của nghề nuôi biển.
Bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển theo hướng tập trung, chuỗi liên kết sản xuất bền vững gắn với thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND Thành phố Phú Quốc cho biết, thành phố thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, có hiệu quả và phát triển bền vững.
Cùng với đó, từng bước giảm dần số lượng tàu, sản lượng khai thác để chuyển sang nuôi biển, giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ. Đảm bảo khung lồng, phao, lưới, đăng quầng phải làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sống thoát ra môi trường. Tăng quy mô, năng suất, sản lượng nuôi biển, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển.
Đến năm 2025, tại xã Gành Dầu, Bãi Thơm có ít nhất 50% hộ dân có nhu cầu nuôi cá lồng bè được giao khu vực biển và cấp mã số nhận diện lồng bè nuôi theo quy định. Phường An Thới, xã Thổ Châu hoàn thành việc bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển, có ít nhất 50% hộ dân nuôi cá lồng bè tại địa phương được giao khu vực biển và cấp mã số nhận diện lồng bè nuôi theo quy định và 100% hộ dân nuôi nhuyễn thể tại địa phương được giao khu vực biển.
Đến hết năm 2025, Thành phố Phú Quốc cơ bản bố trí, sắp xếp hoàn thành chuỗi liên kết nuôi biển gồm cá lồng bè, nhuyễn thể và các đối tượng khác tại các xã đảo, ven biển. Hoàn thành 100% việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cho các hộ dân nuôi lồng bè theo hình thức truyền thống ven đảo.