Các địa phương Nam Định và Ninh Bình trước đây rất coi trọng phát triển kinh tế biển. Trong đó, tỉnh Nam Định cũng đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng phát triển kinh tế vùng ven biển giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Nghị quyết nhấn mạnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững vùng kinh tế biển; xây dựng, phát triển kinh tế biển, ven biển trở thành cực tăng trưởng mới; triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống.

W-anh tin nam dinh.jpg
Để phát triển bền vững kinh tế biển, việc làm sạch biển và bảo vệ môi trường luôn được tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm.

Những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản ở cả 2 địa phương Nam Định và Ninh Bình cũ đều có những bước phát triển theo hướng bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các tháng đầu năm 2025, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác biển của 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định đều tăng so với  cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển, tới đây tỉnh Ninh Bình mới (sáp nhập 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình cũ) sẽ tập trung nguồn lực để mở rộng tuyến đường Cao Bồ - Ninh Cơ, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển khu kinh tế Ninh Cơ nói riêng và vùng ven biển của tỉnh nói chung. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các khu cụm công nghiệp ven biển, triển khai xây dựng các khu đô thị ven biển, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định vị thế kinh tế biển tỉnh Ninh Bình trên bản đồ kinh tế biển Việt Nam.

Đồng thời, để tạo điều kiện phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch, trong đó có du lịch biển, công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cùng các ngành nghề dịch vụ, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch biển đã và đang được tỉnh Ninh Bình tập trung đẩy mạnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm và phát triển du lịch toàn diện.

Các chuyên gia cho rằng, tỉnh Ninh Bình cần phát triển du lịch biển và dịch vụ bền vững, logistics hàng hải hiện đại và xanh, nuôi trồng thủy sản bền vững và năng lượng tái tạo. Cùng với đó là xây dựng cực tăng trưởng đô thị tại Hoa Lư, Nam Định, Phủ Lý, phát triển chuỗi đô thị sinh thái ven biển; áp dụng cơ chế linh hoạt tại các khu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là phát triển mô hình kinh tế gắn với bảo tồn, nuôi rong biển, thủy sản dược liệu, nghề cá giải trí; xây dựng cảng theo quy hoạch quốc gia, bến cá trung tâm, ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến.