Hiện, Tây Nguyên có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với 2.199.784 người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng. Các dân tộc sống đoàn kết, đan xen nhau, tập trung tại 471 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững", Ủy ban Dân tộc đã đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, thu hẹp khoảng cách về mức sống, tạo sinh kế bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đồng thời có chính sách để họ gắn bó với rừng.

Một trong những giải pháp quan trọng, đó là tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời có chính sách để đồng bào gắn bó với rừng. Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại đất đai nông, lâm trường; hoàn thành giao đất, giao rừng ở nơi có đủ điều kiện; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu và tranh chấp đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Khôi phục một số tập quán tốt, "văn hóa" ứng xử với rừng của người dân tộc thiểu số; nghiên cứu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc ổn định dân du canh du cư, di cư tự phát; triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn. Đồng thời, bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số. 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát huy thế mạnh, lợi thế của vùng Tây Nguyên, như: Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, có giải pháp thúc đẩy thay đổi sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng Tây Nguyên...

Thanh Hùng, Thu Hà, Mai Hương, Bảo Phùng, Hà Sơn