Mở rộng không gian phát triển cảng biển
Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho thấy, hệ thống cảng biển Hải Phòng được quy hoạch thành 5 khu bến cảng, gồm: khu bến Lạch Huyện, khu bến Đình Vũ, khu bến sông Cấm - Phà Rừng, khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc và khu bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ cùng các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải hàng hoá.
Ngày nay, hệ thống cảng đã phát triển mạnh mẽ với trên 50 bến cảng hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải biển trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn và gia tăng kết nối với thị trường toàn cầu.

Cảng Lạch Huyện, cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc đến thời điểm hiện tại của Hải Phòng đã có 6 bến cảng từ số 1 đến số 6 đi vào hoạt động. Tới đây, Công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ tiếp tục khởi công xây dựng các bến số 7, số 8 tại đây. Theo quy hoạch đến năm 2030, khu bến Lạch Huyện sẽ đáp ứng cho lượng hàng hóa từ 61,4 đến 90 triệu tấn và lượng hành khách từ 10.500 -11.000 lượt khách.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng 4 bến cảng container tại khu bến Lạch Huyện với tổng vốn gần 24.850 tỷ đồng.
Dự án nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, hướng đến phát triển hệ thống cảng biển hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở từ 12.000 đến 18.000 TEU. Theo quy hoạch, 4 bến cảng container sẽ có tổng chiều dài khoảng 1.800 m (mỗi bến dài 450 m), kèm theo một bến sà lan 400 m để phục vụ gom hàng bằng đường thủy nội địa. Dự án cũng bao gồm hệ thống bãi container, xưởng sửa chữa, hạ tầng kỹ thuật, thiết bị bốc xếp chuyên dụng, trên diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng 146 ha.
Dự án được triển khai theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2026 - 2030) xây dựng bến số 9 và số 10; Giai đoạn 2 (2031 - 2035) tiếp tục xây dựng bến số 11 và số 12.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc đầu tư các bến cảng tại đây có vai trò quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế biển tại Hải Phòng và các địa phương lân cận, giúp vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam tới thẳng các thị trường châu Âu, châu Mỹ. Từ đó phát triển các ngành dịch vụ, logistics, hậu cần cảng.
Tại khu bến Đình Vũ, nhiều doanh nghiệp cảng biển lớn cũng đang vận hành khai thác tại đây. Trong khi chi nhánh cảng Tân Vũ thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng năm 2024 vừa qua là năm thứ 4 liên tiếp đạt trên 1 triệu TEU hàng hóa thông qua thì cảng Nam Đình Vũ đang vận hành giai đoạn 1 và 2 với tổng công suất 1,2 triệu TEU mỗi năm. Giai đoạn 3 của dự án đang thi công, dự kiến chạy thử vào tháng 10 năm nay và chính thức đưa vào khai thác cuối năm 2025.
Hiện thực hóa mô hình cảng xanh, hiện đại, thông minh
Trong những năm qua, hệ thống cảng biển Hải Phòng đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành cảng, tự động hóa nhiều khâu trong quá trình xếp dỡ hàng hóa, nâng cao hiệu suất khai thác. Mở rộng mạng lưới dịch vụ, kết nối với các hãng tàu lớn trên thế giới, thu hút các tuyến vận tải quốc tế, tăng khả năng trung chuyển hàng hóa. Hải Phòng đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước.
Không chỉ nâng cấp cảng, Hải Phòng còn đầu tư đồng bộ vào hạ tầng kết nối với hệ thống cao tốc ven biển, cầu vượt biển Tân Vũ, hệ thống cảng cạn ICD. Các doanh nghiệp kinh doanh cảng cũng triển khai hàng loạt biện pháp chuyển đổi số toàn diện trên mọi tuyến hoạt động từ cầu tàu, bãi container, cổng cảng cho đến hệ thống chăm sóc khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ số vào các dịch vụ cảng biển giúp các doanh nghiệp kinh doanh cảng nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Với các quy hoạch làm điểm tựa, làm kim chỉ nam, cảng biển Hải Phòng không chỉ mở rộng về quy mô mà còn dần hiện thực hóa mô hình cảng xanh, hiện đại, thông minh và bền vững, phấn đấu trở thành trung tâm logistics, đô thị cảng hiện đại vào năm 2050.