Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Belarus cùng Tổng Bí thư Tô Lâm, phu nhân Ngô Phương Ly đã đến thăm và trao tặng Tủ sách tiếng Việt tới lớp học tiếng Việt ở Đại sứ quán Việt Nam tại Belarus.
Thành lập tháng 7/2016, lớp học tiếng Việt gồm khoảng 20 học sinh từ 7 - 14 tuổi là thế hệ thứ 2, thứ 3 người Việt sinh ra và lớn lên tại Belarus.
Tủ sách tiếng Việt được phu nhân Ngô Phương Ly trao tặng gồm 124 đầu sách, trong đó có bộ sách giáo khoa “Chào tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thụy Anh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sẽ tiếp thêm niềm vui, động lực học tập tiếng Việt cho các bạn trẻ.
Trên thực tế, việc học tiếng Việt ở các thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên tại nước ngoài còn nhiều khó khăn. Vì vậy, bộ sách “Chào tiếng Việt” là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bộ sách được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thiết kế dành cho đối tượng trẻ em Việt Nam ở nước ngoài thuộc hai nhóm: từ 6 đến 10 tuổi và từ 10 đến 15 tuổi. Bộ tài liệu cũng hướng tới đối tượng sử dụng là các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh hướng dẫn học sinh học tiếng Việt ở các nhóm lớp hoặc ở gia đình.
Nội dung tài liệu biên soạn phù hợp với tâm lý lứa tuổi, chú trọng đa dạng hóa ngữ liệu để tạo niềm vui học tập của trẻ em. Các câu chuyện, đoạn hội thoại, trò chơi, câu đố, thơ ca, đồng dao, âm nhạc, phim hoạt hình, phim tư liệu, đoạn audio... sẽ giúp các em có động lực học tiếng Việt trong môi trường không có tiếng Việt và giữ được nhu cầu học lâu dài.
Đã có 13 năm kiên trì, bền bỉ lan tỏa tình yêu tiếng Việt ra thế giới, tác giả Nguyễn Thụy Anh cho biết, qua mỗi năm, quy trình hoạt động hoàn thiện hơn khi nhìn rõ được triết lý, quan điểm, xây dựng được phương pháp và từ đó định hình các kỹ thuật nhỏ trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài. Đó là lý do vì sao 2 cuốn sách Chào tiếng Việt 1, 2 - Ra khơi và Khám phá được yêu mến đón nhận ở nhiều nơi trên thế giới.
Bà Trần Thị Loan, kiều bào Ba Lan chia sẻ, văn hóa thể hiện đặc trưng nhận diện của một dân tộc, nếu không chung tay gìn giữ, bảo tồn văn hoá, ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt thì mai sau, các cháu sinh ra và lớn lên ở nước ngoài sẽ mất gốc, quên đi nguồn cội và hoàn toàn không còn mối liên hệ với quê hương.
“Gia đình tôi đã sang thế hệ thứ 3 vẫn nói tốt và duy trì được tiếng Việt bởi từ nhỏ, các cháu luôn được bố mẹ cố gắng dạy, giao tiếp bằng tiếng Việt bên cạnh ngôn ngữ bản địa”, bà nói.
Cũng theo bà Loan, “Hiện nay, việc dạy tiếng Việt cho các cháu ở nước ngoài thuận lợi hơn trước nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Nguồn tài liệu giảng dạy cũng rất phong phú. Với bộ sách “Chào tiếng Việt”, chúng tôi đã có phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn.
Qua kết nối và trao đổi về cách dạy tiếng Việt với cộng đồng kiều bào trên thế giới, bà con đều bày tỏ sự vui mừng khi có bộ sách Chào tiếng Việt bởi nội dung khá dễ hiểu, hấp dẫn. Nhờ đó, các cháu thích đọc giúp chúng tôi có thêm động lực để trao truyền ngôn ngữ mẹ đẻ”.