Tại Malaysia, ước tính hiện có khoảng 40.000 đến 50.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc. 

Cộng đồng người Việt Nam ở đây luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, đồng thời gìn giữ và phát huy ngôn ngữ, văn hóa truyền thống Việt Nam, góp phần trở thành nguồn lực giúp đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh.

W-Ava 123.jpg
Bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Việt Nam - Malaysia.

Bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Việt Nam - Malaysia, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Malaysia bày tỏ: “Văn hóa là “sức mạnh mềm,” kết nối chặt chẽ người dân hai nước. Thông qua văn hóa, người dân sẽ có cơ hội khám phá, tìm hiểu những nét tương đồng, đặc trưng của mỗi nước, nâng cao sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, tạo nền tảng xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các tổ chức, các cơ quan Chính phủ Malaysia vì mục tiêu hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, phát triển”.

Trong những năm qua, công tác dạy tiếng Việt tại Malaysia luôn được quan tâm, chú trọng. Năm 2015 về dự Hội nghị Thi đua yêu nước, bà Trần Thị Chang đã nắm được chủ trương của Đảng, Nhà nước muốn duy trì tiếng Việt cho con em kiều bào cả nước. 

Sau khi trở về từ hội nghị, bà đã gặp Đại sứ Việt Nam ở Malaysia thời điểm đó và đề xuất mở lớp tiếng Việt. Đến năm 2016, lớp tiếng Việt đầu tiên ở Malaysia được thành lập. 

“Chúng tôi rất may mắn là có 2 cô giáo Nguyễn Thị Liên và cô Nguyễn Thiên Hương có chuyên ngành sư phạm đã đứng ra phụ trách giảng dạy. Bằng tình yêu quê hương, nguồn cội, 2 cô đã đưa tiếng Việt đến với con em kiều bào không chỉ là nét chữ mà còn là vần thơ, giai điệu thân thương của Tổ quốc”, bà Chang nhớ lại. 

Với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, 2 cô giáo trở về Việt Nam tham dự các khóa tập huấn, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy tiếng Việt. Năm 2023, cô giáo Nguyễn Thị Liên vinh dự trở thành sứ giả tiếng Việt sau nhiều năm cần mẫn trao truyền tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào.

Trong thời gian dịch Covid-19, lớp tiếng Việt được mở online. Tuy nhiên, sau dịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã dành 1 phòng học rộng rãi để các lớp tiếng Việt hoạt động hàng tuần. Hiện, các lớp tiếng Việt tại Malaysia vẫn duy trì, phát triển quy mô, chuyên nghiệp hơn. 

Cộng đồng người Việt còn thành lập câu lạc bộ nói tiếng Việt. Con em người Việt không chỉ ở Thủ đô Kuala Lumpur mà ở các địa bàn của Malaysia có người Việt Nam sinh sống cũng tham gia học.

“Chúng tôi hy vọng, thời gian tới Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục có nhiều lớp tập huấn để các cô trợ giảng câu lạc bộ cũng được tham gia, tạo nguồn giáo viên chất lượng cho câu lạc bộ”, bà Chang nói.

Bên cạnh các lớp dạy tiếng Việt, nhiều gia đình kiều bào ở Malaysia cũng rất quan tâm đến công tác gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho con em mình.

Anh Thái Minh, sinh sống ở Kuala Lumpur chia sẻ, dạy và giữ tiếng Việt cho thế hệ tiếp theo là lựa chọn của mỗi gia đình và là nhiệm vụ chính của các bậc phụ huynh. Đó là nhu cầu được gắn kết, được giao tiếp với các con bằng thứ ngôn ngữ mình hiểu rõ và thoải mái nhất. 

“Dù sinh ra hay sống tại nơi đâu trên thế giới, giúp thế hệ kiều bào trẻ hiểu được ngôn ngữ và nền văn hoá của Việt Nam chắc chắn là một lợi thế tương lai. Quan trọng hơn, đây còn là quê hương, nguồn cội của các cháu. Chính vì thế, vợ chồng tôi không ngừng trau dồi tiếng Việt cho con”, anh Minh tâm sự. 

Nguyên tắc của gia đình anh Minh là ở nhà, các con chỉ được nói tiếng Việt, khi có thêm bạn bè, các cháu có thể nói bằng tiếng bản địa để thấy thoải mái nhất. Khi các con còn nhỏ, vợ chồng anh thường đọc truyện tiếng Việt cho các cháu trước giờ ngủ. Với những truyện cháu thích nghe, anh đọc một câu và khuyến khích con đọc tiếp một câu, dần dà các cháu hoàn thành sách tiếng Việt lớp 1 - 2 và biết đọc.

Không chỉ cộng đồng kiều bào tại Malaysia, các cộng đồng kiều bào khác tại Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hà Lan... cũng chú trọng việc truyền bá ngôn ngữ Việt Nam thông qua các ngày hội văn hoá, lớp học tiếng miễn phí, tổ chức trại hè ngôn ngữ hướng về cội nguồn. 

“Học tiếng Việt không chỉ là định danh nguồn gốc mà còn là sự khởi đầu, mở ra tương lai cho các cháu. Với ngôn ngữ mẹ đẻ, các cháu sẽ tự hào về dòng máu của mình, gìn giữ những nét đẹp của con người Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển hùng cường của đất nước”, anh Minh nói.