Tỉnh An Giang đang đứng trước cơ hội để phát huy vai trò trung tâm phát triển kinh tế biển mạnh của quốc gia, trở thành vùng kinh tế năng động, phát triển toàn diện.
Đến năm 2030 là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia
Sau khi hợp nhất với tỉnh Kiên Giang, tinh An Giang mới có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, vùng biển rộng hơn 63.000 km2, đường bờ biển hơn 200 km, tuyến biên giới giáp Campuchia gần 148km, thuận lợi giao thương quốc tế; có hệ thống đô thị phát triển, đặc khu Phú Quốc, cụm động lực Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên; có 2 cảng hàng không kết nối quốc gia và quốc tế. Tỉnh có nhiều tiềm năng thủy sản, nước ngọt và biên mậu, kết hợp với thế mạnh về kinh tế biển, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, hàng hải và du lịch biển đảo.
An Giang sẽ tập trung phát triển kinh tế biển, trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế; Rạch Giá là trung tâm chính trị - hành chính, thương mại - dịch vụ.
Theo định hướng, An Giang phát triển theo hướng xanh, số và hội nhập sâu; lấy kinh tế biển, biên mậu, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số làm động lực tăng trưởng; đổi mới sáng tạo là khâu đột phá chiến lược. Không gian phát triển được tổ chức theo hướng phát huy vị trí chiến lược của tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
An Giang sẽ phát triển 05 vùng kinh tế trọng điểm: Rạch Giá là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế biển - công nghiệp tổng hợp; Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tầm quốc gia và quốc tế; Long Xuyên là đầu tàu công nghiệp chế biến và nông nghiệp công nghệ cao; Châu Đốc là trung tâm du lịch và biên mậu; Hà Tiên là trung tâm kinh tế biển - thương mại biên giới. Theo đó, An Giang xác định 3 khâu đột phá chiến lược. Cụ thể là tập trung phát triển kinh tế biển, trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, với trọng tâm là du lịch biển tại đặc khu Phú Quốc và phát triển các đô thị biển, hạ tầng giao thông, cảng biển và nuôi biển. Hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng, bao gồm hoàn thiện các cao tốc nội tỉnh và liên vùng, nâng cấp sân bay và phát triển các cảng biển, cảng sông đa năng phục vụ logistics, xuất nhập khẩu và du lịch.
Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, An Giang cần đặt nhiệm vụ tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển (vùng ven biển, biển và hải đảo) trong bình đồ liên kết vùng mới, với các đơn vị hành chính mới trong toàn tỉnh An Giang.
Tỉnh nên đầu tư toàn diện, hoàn thiện nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở cho vùng ven biển, cho các đặc khu và cho các hoạt động trên biển. Trước hết là hạ tầng giao thông với các tuyến đường giao thông ven biển nối các khu đô thị ven biển, đường cao tốc kênh Vĩnh Tế, sân bay trên vùng đất tỉnh An Giang (trước hợp nhất), cảng biển gắn với logistics; các tuyến đường trên đảo và cảng biển lưỡng dụng ở các đặc khu Phú Quốc, Kiên Hải và Thổ Châu.
Đặc biệt, để phát triển bền vững kinh tế biển xanh, An Giang cũng cần triển khai tốt hạ tầng xanh sẽ đem lại đa lợi ích, như duy trì được nguồn vốn tự nhiên của biển, đảo; tăng khả năng dự trữ CO, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chống xói lở bờ biển và bẫy lọc chất ô nhiễm; giữ cho các loài thủy sản có ngôi nhà của mình và duy trì được cân bằng sinh thái trong toàn vùng biển, đảo.
Cùng với đó là uu tiên phát triển các đô thị ven biển, trên đảo gắn với kinh tế đô thị theo hướng khu đô thị thông minh, đáng sống, quy mô vừa phải để thu hút nhà đầu tư, hấp thụ dân số, hình thành các cực phát triển trong chuỗi liên kết với các tuyến lực là hệ thống hạ tầng cơ sở nói trên. Song song với đó là thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng ưu tiên nuôi biển công nghệ kết hợp tạo lợi ích kép; phát triển nghề cá giải trí gắn với du lịch; xây dựng các biểu tượng văn hóa biển đậm chất An Giang ở các khu đô thị ven biển và trên đảo.
Ngăn chặn và sớm loại bỏ đánh bắt hải sản bất hợp pháp bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), ưu tiên các dự án chuyển đổi nghề cho ngư dân IUU, giảm cường lực đánh bắt và tổ chức lại nghề cá xa bờ; tăng cường chế biến tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa thủy sản, tiết kiệm nguồn lợi thủy sản.
Đồng thời, phát triển bước đầu dược liệu biển theo tiếp cận chuỗi, từ khâu nuôi trồng đến chế biến thực phẩm dinh dưỡng và thuốc chữa bệnh từ sản vật thủy sản và thương mại sản phẩm. Tiếp tục phát triển nghề nuôi trai ngọc, nuôi cá rạn san hô và nuôi cá giải trí phục vụ du lịch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Huyền – Viện trưởng Viện Kinh tế, Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để đột phá kinh tế biển, An Giang nên tập trung vào du lịch biển, đô thị biển và dịch vụ tổng hợp biển. Kết nối Phú Quốc với 2 cực còn lại là Rạch Giá và Hà Tiên để tạo ra tam giác phát triển.
Tỉnh cần xây dựng đề án rà soát quy hoạch; đề án phát triển Tứ giác Long Xuyên, đặc khu Phú Quốc, kinh tế cửa khẩu, kinh tế biển; đề án phát triển kinh tế tư nhân; chương trình phát triển hạ tầng; đề án phát triển nguồn nhân lực; đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh trong định hướng phát triển.