Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cơ bản được kiểm soát. 

Bên cạnh việc triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, đảm bảo người dân an tâm sản xuất, thời gian qua các địa phương trong tỉnh cũng khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi an toàn sinh học.

{keywords}
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học giúp hạn chế dịch bệnh động vật

Hiện, một số hộ nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang phương thức nuôi công nghiệp, mở rộng quy mô, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cũng như cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất chăn nuôi trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ, lẻ, chưa thay đổi thói quen, tập quán trong cách nuôi, chưa chú trọng đầu tư chuồng trại,…

Khi nhu cầu của thị trường đã ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi hộ chăn nuôi phải từng bước thay đổi phương thức sản xuất, quan tâm đầu tư chuồng trại và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phát triển bền vững.

Bà Trần Thơ Do (Mang Thít) cho hay, trước diễn biến dịch bệnh động vật, đàn gia súc nhà bà vẫn an toàn nhờ áp dụng triệt để phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với việc tiêm vắc xin, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, bà chú trọng thực hiện việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nền chuồng cao ráo, có ống thoát, tiêu độc khử trùng.

Ngoài rắc vôi bột, bà cũng phun thuốc khử trùng, hạn chế đến mức thấp nhất người ra, vào khu vực chăn nuôi. Bà Do khẳng định, hình thức chăn nuôi an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, bà không phải lo lắng về vấn đề dịch bệnh trên gia súc.

Sonng song đó, tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho người chăn nuôi thông qua các mô hình thí điểm, các chương trình liên kết... Xây dựng mô hình liên kết phát trển chăn nuôi gia súc với chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi dê theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh. Tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập ở địa phương là hướng đi đúng đắn của tỉnh.

Giai đoạn 2021 – 2025, Sở NN&PTNT tỉnh định hướng phát triển chăn nuôi trang trại, đặc biệt trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Quản lý và nâng cao chất lượng giống gia súc; khuyến khích phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, ứng dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng hiệu quả các quy trình thực hành chăn nuôi tốt, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Sở sẽ phối hợp tốt, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, tạo nền tảng phát triển chuỗi liên kết- tiêu thụ bền vững trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh liên kết hộ chăn nuôi theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh trên gia súc, phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật.

Thanh Hùng