Nền kinh tế của đất nước ta là nền kinh tế nông nghiệp, độc canh lúa nước. Vì vậy nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nếu như thơi tiết khí hậu thuận lợi thì đó là môi trường thuận lợi để nông nghiệp phát triển nhưng khi gặp những thời kỳ mà thiên tai khắc nghiệt như hạn hán, bão lụt thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống của nhân dân ta đặc biệt đối với sự phát triển của cây lúa, bởi vì lúa là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta. Vì vậy mà hệ thống thuỷ lợi có vai trò tác động rất lớn đối với mùa màng.

Hệ thống thuỷ lợi mà có thể cung cấp nước cho những khu vực bị hạn chế về nước tưới tiêu cho nông nghiệp đồng thời khắc phục được tình trạng khi thiếu mưa kéo dài và gây ra hiện tượng mất mùa mà trước đây tình trạng này là phổ biến. Mặt khác nhờ có hệ thống thuỷ lợi cung cấp đủ nước cho đồng ruộng từ đó tạo ra khả năng tăng vụ, vì hệ số quay vòng sử dụng đất tăng từ 1,3 lên đến 2-2,2 lần đặc biệt có nơi tăng lên đến 2,4-2,7 lần. Nhờ có nước tưới chủ động nhiều vùng đã sản xuất được 4 vụ.
Trước đây do hệ thống thuỷ lợi ở nước ta chưa phát triển thì lúa chỉ có hai vụ trong một năm. Do hệ thống thuỷ lợi phát triển hơn trước nên thu hoạch trên 1 ha đã đạt tới 60-80 triệu đồng, trong khi nếu trồng lúa 2 vụ chỉ đạt trên dưới 10 triệu đồng. Hiện nay do có sự quan tâm đầu tư một cách thích đáng của Đảng và Nhà nước từ đó tạo cho ngành thuỷ lợi có sự phát triển đáng kể và góp phần vào vấn đề xoá đói giảm nghèo, đồng thời cũng tạo ra một lượng lúa xuất khẩu lớn và hiện nay nước ta đang đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo…
Theo thống kê từ Tổng cục Thủy lợi, hiện nay ở Việt Nam có 6750 hồ chứa thủy lợi các loại. Trong đó các hồ chứa vừa và nhỏ lại chiếm đến khoảng 87% (5858 hồ), phân bố trên cả nước. Qua khảo sát thì đa phần các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều là đập đất, xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Các vấn đề an toàn hồ chứa dù được quan tâm và đặt đầu bài từ rất sớm nhưng do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư nên kết quả đang rất hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.
Đặc biệt trong vấn đề quan trắc hồ chứa vừa và nhỏ thì lại càng ít được quan tâm, dù đây là đối tượng chịu nhiều tổn thương sau nhiều năm hoạt động. Hồ chứa vừa và nhỏ theo nghị định 114/2018/NĐ-CP của chính phủ là những hồ chứa có chiều cao nhỏ hơn 15m, và có dung tích toàn bộ dưới 3.000.000 m3 .
Nhiệm vụ quan trắc hồ chứa nhỏ ở Việt Nam hiện nay nói chung còn nhiều tồn tại cả ở khâu thiết kế, thi công lắp đặt và quản lý vận hành, bảo trì. Đa phần với các hồ chứa vừa và nhỏ ở Việt Nam đều nằm trong tình trạng rất hạn chế về số lượng thiết bị quan trắc, thu thập số liệu quan trắc và đánh giá an toàn hồ đập. Công tác quan trắc đa phần là thủ công và việc cập nhật số liệu cũng là thủ công. Điều này dẫn tới việc đánh giá an toàn có thể không cập nhật và dẫn tới các sự cố về hồ đập. Hiện nay với sự phát triển của khoa học trái đất, kỹ thuật viễn thám đã được ứng dụng trong công tác giám sát môi trường đất, nước.
Có rất nhiều các kết quả nghiên cứu ứng dụng ảnh viễn thám để quan trắc tài nguyên (rừng, nước mặt, ngập do lũ, ngập ven biển …). Các ảnh viễn thám chất lượng tốt thường là tài liệu có tính phí và chúng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn ảnh viễn thám cũng như chu kỳ cung cấp ảnh. Nghiên cứu này muốn nhấn mạnh việc sử dụng ảnh viễn thám sẵn có trong công tác quan trắc các hồ chứa vừa và nhỏ tại Việt Nam. Đây là các đối tượng có diện tích bề mặt không lớn nên có thể dẫn tới sai số trong việc lấy kết quả phục vụ cho công tác quan trắc khi ảnh viễn thám có độ phân giải không cao.
Ảnh viễn thám từ Planet có độ phân giải cao, đang là nguồn dữ liệu miễn phí đối với một vài khu vực ở Châu Á (trong đó có Việt Nam). Việc có thể tận dụng tài liệu này trong đánh giá tài nguyên nước của hồ chứa thủy lợi là rất khả quan, từ kết quả đó có thể so sánh với các số liệu quan trắc thực tế để phục vụ công tác đánh giá an toàn hồ đập.