Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ năng lượng đứng đầu thế giới, đang hướng về hai phía đối lập nhau. Đây là một xu hướng sẽ mang nhiều ý nghĩa về mặt địa chiến lược đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ đang dần lấy lại sự tự tin rằng phần lớn dầu và khí gas của nước này sẽ được sản xuất trong nước. Mỹ đang từng bước hạn chế phụ thuộc vào dầu và khí tự nhiên nhập khẩu khi sản lượng trong nước được nâng lên trong khi sức tiêu thụ nhiên liệu hóa lỏng giảm sút do nhu cầu giảm và những tiến bộ về tiết kiệm năng lượng, đặc biệt trong giao thông và công nghiệp.

Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào dầu và khí vận chuyển qua đường biển hay đường ống về nước này, chủ yếu từ những nguồn cung cấp ở rất xa, nơi thương là những khu vực bất ổn chính trị trên thế giới, bao gồm Trung Đông, châu Phi và Trung Á. Kết quả là, Bắc Kinh mỗi ngày lại cảm thấy mất an ninh về các nguồn cung năng lượng này trong tương lai hơn.

Trung Quốc đang hiện đại hóa các lực lượng vũ trang không chỉ để nhằm đòi lại Đài Loan bằng các phương tiện quân sự khi cần thiết. Trung Quốc còn muốn bảo về các tuyến đường vận tải biển và khả năng tiếp cận an toàn các nguồn năng lượng, khoáng sản và ngư trường ở ngoài khơi trong các vùng biển xung quanh, bao gồm biển Hoa Đông - nơi Trung Quốc đang có những tuyên bố chủ quyền xung đột với Nhật Bản - và Biển Đông, nơi tuyên bố quyền tài phán bị nhiều nước trong khu vực như Philippine, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei phản đối.

Trung Quốc cũng muốn củng cố an ninh thông qua thành lập một vùng ảnh hưởng ngoài khơi mà nước này có thể chi phối, thay cho Mỹ và các đồng minh khu vực.

Mặc dù Mỹ mới đây tuyên bố "xoay trục" trọng tâm chiến lược sang châu Á, nhưng sức mạnh và ảnh hưởng tương đối của nước này có vẻ lại đang giảm đi. Điều này ít có khả năng thay đổi ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tụt lùi đi phần nào.

Khi Mỹ đạt được an ninh năng lượng trong thời kỳ cắt giảm chi phí, nước này cũng có ít động cơ tiếp tục hoạt động bảo vệ quân sự tốn kém cho những tuyến vận tải hàng hải tại các khu vực ngày càng tranh cãi gay gắt như các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc, khu vực Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ và khí đốt, và xung quanh Trung Đông và châu Phi. Do đó, điều này khuyến khích Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng quân sự sang tận Ấn Độ Dương, nơi mà khối lượng dầu và khí khổng lồ hằng ngày vẫn được vận chuyển lưu thông qua lại.

Như thế, Trung Quốc cũng đang gây gia tăng căng thẳng với Ấn Độ. Stephen Walt, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Chính phủ Kennedy, ĐH Harvard, đã dự báo kết quả xu hướng kinh tế, quân sự và năng lượng giữa Trung Quốc và Mỹ như sau: "Nếu Trung Quốc giống như tất cả các cường quốc khác, bao gồm cả Mỹ, thì định nghĩa lợi ích "quan trọng" cũng sẽ lớn dần khi sức mạnh của nó được tăng lên - và nó sẽ cố gắng sử dụng uy lực mới đó để bảo vệ một phạm vi ảnh hưởng không ngừng mở rộng.

Nhìn vào mức độ phụ thuộc nguyên liệu thô (đặc biệt là năng lượng) nhập khẩu và mô hình tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu Trung Quốc, rõ ràng các nhà lãnh đạo thận trọng của nước này sẽ muốn chắc chắn rằng không ai được ở vào vị trí có thể cản trở Trung Quốc tiếp cận tài nguyên và thị trường mà sự thịnh vượng và ổn định chính trị của họ phụ thuộc rất lớn vào đó.

Tình huống này sẽ khuyến khích Bắc Kinh thách thức vai trò hiện nay của Mỹ ở châu Á. Dần dần, Bắc Kinh sẽ cố gắng thuyết phục các quốc gia châu Á khác từ bỏ quan hệ với Mỹ, và Washington gần như chắc chắn sẽ chống lại những nỗ lực này. Và sau đó sẽ là một cuộc cạnh tranh an ninh căng thẳng giữa hai nước".

Dấu hiệu gần đây nhất của cuộc đấu tranh giành ưu thế tuyệt đối trong khu vực là tại Biển Đông, nơi Trung Quốc và Philippine, một đồng minh của Mỹ, đang trong mối bất hòa đã gần 2 tháng xung quanh vấn đề quyền sở hữu và kiểm soát bãi Scarborough, một khu vực bao gồm một chuỗi các rặng san hô và ngư trường gần với Philippine hơn nhiều Trung Quốc.

Những tranh chấp như vậy có thể kiểm soát được. Nhưng chúng cũng có thể dẫn tới việc Trung Quốc thắng thế trước các đối thủ yếu và ít quyết tâm hơn. Hay chúng cũng có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Nếu Mỹ hay đồng minh Nhật Bản can dự vào, thì kết quả có thể sẽ là một cuộc chiến tranh rộng hơn, cả nguy cơ gây bất ổn cho cả châu Á.

Liệu có cách nào Trung Quốc có thể cạnh tranh với Mỹ và trở nên ít phục thuộc hơn vào dầu khí bên ngoài?

Cho tới trước năm 1993 Trung Quốc vẫn có thể sản xuất đủ dầu thô phục phụ nhu cầu trong nước. Nhưng khi tăng trưởng duy trì cao, nhập khẩu dầu mỏ cũng lớn hơn. Trung Quốc hiện nay nhập khẩu 55% nhu cầu tiêu thụ dầu trong nước, và tỷ lệ này vẫn đang có xu hướng tăng lên.

Khí tự nhiên, loại nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm nhất, cũng đang có xu hướng tương tự. Đến năm 2020, nhập khẩu khí gas của Trung Quốc qua đường ống và đường biển sẽ chiếm 33% nhu cầu, tăng so với mức 20% hiện nay và 0% vào đầu năm 2006, khi Trung Quốc chấm dứt giai đoạn tự chủ về khí gas.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi sự phụ thuộc vào bên ngoài này là "thế lưỡng nan Malacca". Khoảng 85% dầu nhập khẩu, và tỷ lệ ngày càng lớn khí gas nhập khẩu của Trung Quốc, vận chuyển bằng đường biển, qua Ấn Độ Dương, Eo biển Malacca, Singapore ở Đông Nam Á, và Biển Đông. Hầu hết nguồn cung năng lượng quan trọng này ở khu vực Vịnh Ba Tư. Cách duy nhất để ra vào vịnh này bằng đường biển là đi qua eo biển hẹp Hormuz. Các kênh vận chuyển ở đây và ở eo biển Malacca và Singapore có thể bị chặn hoặc làm gián đoạn khi xảy ra khủng hoảng. Nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản thậm chí còn phụ thuộc vào "động mạch" hàng hải này hơn cả Trung Quốc.

Ngược lại, phần lớn sự gia tăng sản lượng dầu khí của Mỹ nhờ khai thác các trự lượng phát hiện ở sâu dưới các lớp đá phiến tại địa lục Mỹ. Tiến bộ công nghệ, bao gồm công nghệ phân tách thủy lực, trong đó nước, cát và hóa chất được bơm áp lực cao vào lớp đá phiến để phá vỡ cấu trúc đá và giải phóng dầu và khí, cho phép "mở khóa" các trữ lượng này.

Trung Quốc có trữ lượng khí đá phiến được phát hiện lớn nhất thế giới, lớn hơn nhiều các trữ lượng lớn thứ hai thế giới của Mỹ. Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc ước tính, trữ lượng khí đá phiến có thể khai thác của Trung Quốc lên đến 25 nghìn tỷ m³. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, con số trên có thể lên đến 36 nghìn tỷ m³, lớn gấp 12 lần trữ lượng khí thông thương của Trung Quốc và đủ để đáp ứng tiêu dùng trong hơn 100 năm.

Trung Quốc chỉ mới bắt đầu khai thác nguồn tài nguyên khí đá phiến trong nước. Nước này đặt mục tiêu bơm lên khoảng 100 tỷ m³ vào năm 2020, tương đương tốc độ sản lượng khai thác các trữ lượng khí thông thường hằng năm hiện nay vốn dễ khai thác hơn.

Tuy nhiên, IEA cho biết, dựa trên những thông tin địa lý hiện nay của Trung Quốc, tài nguyên khí đá phiến có thể khó khai thác và tốn kém hơn nhiều ở Bắc Mỹ.

Trữ lượng khí đá phiến tiềm năng nhất ở khu vực khô cằn phía bắc và phía tây Trung Quốc. Có quan ngại rằng khai thác khí đá phiến quy mô lớn tại các khu vực trên sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt nguồn nước vốn đã rất khan hiếm.

Ngay cả khi Trung Quốc thành công trong việc quản lý và khai thác khí đá phiến và phân phối ra cả nước bằng đường ống, IEA kết luận, thì nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn sẽ lớn đến mức, giải pháp tốt nhất cần tiến hành nhất là hạn chế sự phụ thuộc vào khí nhập khẩu xuống còn 24% vào năm 2020, thay vì mức 51% nếu kịch bản sản lượng sản xuất khí trong nước của Trung Quốc đạt thấp diễn ra.

Michael Richardson là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.

Đình Ngân theo Japantimes