Tỉnh Udon Thani có cộng đồng người Việt đông nhất ở Thái Lan với nhiều phong trào, hoạt động hướng về Tổ quốc, trong đó có phong trào dạy và học tiếng Việt.
Những năm 60 của thế kỷ 20, thầy Phạm Văn Tuấn là một trong những người tham gia giảng dạy tiếng Việt đầu tiên ở Udon Thani. Giáo trình khi ấy chủ yếu là sách giáo khoa từ Việt Nam gửi sang. Môn dạy chủ yếu là Văn, Toán, Lịch sử, Địa lý.
Ngoài ra còn có thêm hai môn là môn Công dân và Đạo đức hay còn gọi là Đức dục. Hai môn này được đưa vào giảng dạy nhằm giáo dục cho các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu Bác Hồ, hiểu biết thêm về Tổ quốc và con người Việt Nam.

Dù chưa qua trường lớp đào tạo về phương pháp giảng dạy nhưng với mong muốn các thế hệ người Việt tại Thái Lan duy trì được tiếng mẹ đẻ, thầy Tuấn cùng bà con trong cộng đồng nỗ lực gây dựng phong trào dạy và học tiếng Việt.
Từ những buổi ban đầu chỉ với vài ba học trò, về sau số lượng lên tới hàng chục rồi hàng trăm người tham gia học tiếng Việt. Theo thời gian, việc dạy và học tiếng Việt ở Thái Lan nói chung và tỉnh Udon Thani nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang tính chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Năm 2017, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành và Chủ tịch Hội Người Việt ở tỉnh Udon Thani Lương Xuân Hòa cùng kiều bào vùng Đông Bắc Thái Lan thành lập Trường dạy tiếng Việt Khánh An đặt tại chùa Khánh An. Phần lớn thầy cô đứng lớp là những người đã có tuổi nhưng rất tâm huyết với công cuộc bảo tồn tiếng Việt.
Ngoài dạy nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, các thầy cô còn dạy học sinh người Việt là thế hệ thứ ba, thứ tư hát, múa, đọc những câu thơ của Bác Hồ, ca dao tục ngữ, hay tổ chức những sự kiện chào mừng các ngày lễ quan trọng, Tết cổ truyền của dân tộc.
Phong trào dạy tiếng Việt tại Trường Khánh An hết sức sôi nổi. Với con số đăng ký đầu tiên chỉ hơn 40 người, đến nay đã lên tới 65 học viên đủ mọi lứa tuổi. Mục đích ban đầu là dạy cho các cháu nhỏ không biết tiếng Việt, đến nay trường mở thêm 2 lớp dạy cho cả ông bà, bố mẹ cùng mỗi buổi đưa các cháu tới lớp.
Huy Hoàng (16 tuổi) học sinh Trường Udonpittayanukoon theo học tiếng Việt tại Trường tiếng Việt Khánh An. Trong Cuộc thi Nói tiếng Việt Spelling Bee 2024 của Trường Đại học Maha Sarakham ở Đông Bắc Thái Lan, em đã giành giải Nhất với điểm tuyệt đối 30/30 môn viết và nói tiếng Việt. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hoàng mong muốn theo học sư phạm để có kiến thức đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác gìn giữ, phát huy tiếng Việt trên đất nước Thái Lan.
Để tiếng Việt trở nên gần gũi, thực sự đi vào cuộc sống, các thế hệ lớn tuổi luôn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa, lồng ghép vào các hoạt động, tạo điều kiện cho kiều bào trẻ giao lưu, gặp gỡ và có cơ hội nói tiếng Việt nhiều hơn.
Ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Udon Thani, tự hào cho biết: “Sinh ra và lớn lên trong thời đại Hồ Chí Minh, chúng tôi luôn đoàn kết, giữ gìn bản sắc dân tộc theo truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại".
Hàng năm, cộng đồng người Việt Nam tỉnh Udon Thani vẫn tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Phát huy vai trò quy tụ, tập hợp để củng cố, xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan vững mạnh, đoàn kết, Hội Người Việt Nam toàn Thái (Tổng hội) đã và đang triển khai nhiều kế hoạch thiết thực để duy trì tiếng Việt trong cộng đồng.
Hàng năm, nhiều thầy cô giáo từ Thái Lan về nước tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng sư phạm và chuẩn hóa phương pháp giảng dạy. Từ những kiến thức học được, họ tiếp tục cần mẫn trao truyền tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ trẻ kiều bào, để “tiếng nước mình” lan tỏa trên đất Thái.