Sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vùng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở rộng về không gian địa lý, quy mô dân số và năng lực kinh tế - xã hội. Vì thế, Thành phố Hồ Chí Minh mới không chỉ là một đô thị trung tâm kinh tế tài chính mà còn trở thành trung tâm logistics, công nghiệp và dịch vụ biển hàng đầu cả nước. Với đường bờ biển dài, hệ thống cảng nước sâu, vùng thềm lục địa rộng lớn và quần đảo Côn Đảo chiến lược, Thành phố Hồ Chí Minh có đủ điều kiện để phát triển kinh tế biển và đô thị ven biển. 

Đến giữa năm 2025, Bình Dương có hơn 30 khu công nghiệp với 12.670 ha, tỉ lệ lấp đầy gần 100%, GRDP tăng 8,7%; hướng tới mở rộng 25.000 ha vào 2050, ưu tiên công nghệ cao và R&D. Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ xuất khẩu với cảng Cái Mép - Thị Vải xử lý hơn 30% container quốc gia, đang đẩy nhanh khu thương mại tự do Cái Mép Hạ. Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm, liên kết vốn đầu tư và chuỗi logistics vùng. Để sáp nhập hiệu quả, doanh nghiệp cần chiến lược chuyển đổi công nghệ, phát triển nhân lực và logistics thông minh.

W-anh tin TPHCM.jpg
Các chuyên gia cho rằng, việc sáp nhập Thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế biển.

Được biết, Bà Rịa - Vùng Tàu đã được Thủ tướng giao nhiệm xây dựng 3 đề án, hiện nay đã hoàn thiện được 2 đề án. Một là đề án hiện đại hóa cảng cửa ngõ Cái Mép -Thi Vải thành cảng trung chuyển quốc tế (đã dự thảo xong và lấy ý kiến của các bộ ngành); hai là đề án phát triển kinh tế biển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia đã hoàn thành và trình Thủ tướng. Còn một đề án là nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép, tỉnh đang đề xuất 36 chính sách vượt trội để phát triển khu thương mại tự do ngang tầm quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, việc sáp nhập Thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế biển, bao gồm du lịch, khai thác tài nguyên thiên nhiên và năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Siêu đô thị với quy mô lớn và vị trí chiến lược sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, logistics, tài chính.

Trong văn bản đề xuất của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố nêu rõ 6 nhiệm vụ phát triển, trong đó có 1 nhiệm vụ quan trọng là: Thành phố Hồ Chí Minh mới cần xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế biển, trong đó trước mắt cần tháo gỡ điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống logistics đường sông và đường biển, phát triển mạng lưới cảng cạn (ICD), mạng lưới cảng biển kết nối đa phương thức từ nội đô đến các vùng kinh tế trọng điểm và hệ thống logistics số.