Chính sách, thủ tục liên quan chưa theo kịp với tốc độ phát triển bùng nổ của thị trường

Theo số liệu từ EVN, tính đến ngày 31/12/2020, trên cả nước có khoảng 101.029 công trình ĐMTMN đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296MWp và tổng sản lượng phát lên lưới từ ĐMTMN luỹ kế đến nay đạt hơn đạt 1,15 tỷ MWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

{keywords}
Nhà máy điện mặt trời Hậu Giang

Tận dụng lợi thế của nguồn năng lượng phân tán, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI, tập đoàn sản xuất lớn trong khu công nghiệp (KCN) đã triển khai lắp đặt ĐMTMN nhằm phục vụ cho nhu cầu kinh doanh và sản xuất.

Ngoài việc hệ thống đã giúp giảm chi phí tiền điện tương ứng với sản lượng điện sinh ra cung cấp cho tòa nhà - lượng điện sinh ra là khoảng 859.039 kwh tương đương 1,5 tỷ đồng, việc sử dụng năng lượng xanh cũng là cơ hội lớn cho các DN xin cấp chứng chỉ xanh như LEED, LOTUS hay EDGE.. Đây cũng là tiêu chí hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của DN. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại cho DN, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai. 

Chia sẻ tại tọa đàm về chủ đề “Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt” hôm 30/8, ông Mai Văn Trung, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Phát triển Dự án Công ty Nami Solar cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở thời điểm này, buộc phải sử dụng năng lượng sạch để tận dụng lợi thế trong xuất khẩu.

Tuy nhiên hiện một vài địa phương có cách hiểu chưa thống nhất và chưa cho phép lắp đặt điện mặt trời mái nhà khi chưa có đánh giá báo cáo tác động môi trường toàn khu. Rào cản này gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu và cản trở các doanh nghiệp trong việc tiếp các các lợi ích mà điện mặt trời mái nhà có thể mang lại.

Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc phát triển Dự án CTCP VNG cũng chia sẻ, tới nay vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do các chính sách, thủ tục liên quan không theo kịp với tốc độ phát triển bùng nổ của thị trường điện mặt trời mái nhà, khiến cho nhà đầu tư khá lo lắng, quan ngại.

Cụ thể, “dù đã trải qua 9 tháng kể từ khi chính sách biểu giá điện hỗ trợ FIT 2 đã hết thời hạn áp dụng và hầu hết các hệ thống điện mặt trời mái nhà đều đã vận hành ổn định thì những khó khăn, vướng mắc vẫn tồn tại đó và cần tiếp tục được kiến nghị, xem xét, giải quyết bởi các bộ, ngành có liên quan”, ông Thông cho hay.

Xây dựng giá dựa trên khung giá phát điện hàng năm

Giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp tại tọa đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết hiện bộ đang xây dựng dự thảo khung của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung (bao gồm cả điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời nổi…).

Dự thảo sẽ được xây dựng theo hướng không hạn chế công suất, nhưng với điện mặt trời mái nhà sẽ đưa ra tỉ lệ tự dùng. Mục đích để không phải đầu tư thêm lưới điện, đảm bảo hệ thống điện mặt trời áp mái có tính phân tán, hạn chế phải truyền tải, tránh tổn thất điện năng và tăng đầu tư xã hội.

Với quan điểm phát triển điện mặt trời áp mái phục vụ tự dùng là chính, ông Hùng cho hay dự thảo cũng xây dựng giá điện theo hướng không duy trì giá cố định mà dựa trên khung giá phát điện hàng năm được Bộ Công thương ban hành.

Hiện nay, Bộ đang giao cho Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu xây dựng thông tư về khung giá, phương pháp định giá phát điện mặt trời hàng năm để làm cơ sở xác định giá điện mặt trời. Mục tiêu đảm bảo sát giá thị trường, tránh chuyện thực hiện giá cố định (FIT) cho 20 năm như trước đây.

Cùng đó, ông Hùng cũng cho hay cơ chế mua bán điện của các hộ lắp đặt điện mặt trời áp mái với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không theo hướng bù trừ như trước. Thay vào đó, cơ chế mua bán điện được xác định trên cơ sở quy định của Bộ Tài chính, nên ở chiều mua/bán sẽ được thiết lập hai hóa đơn khác nhau để tách bạch hoạt động này.

Minh Đức