Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp trực tuyến "Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi tạo sản phẩm an toàn có chứng nhận" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức vào ngày 30/9.
Đây là điễn đàn nhằm tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, bàn và giải đáp các vướng mắc, rào cản kỹ thuật, hình thành các liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cũng như đạt nhiều chứng chỉ chăn nuôi trong thời gian tới.
![]() |
Các mô hình, dự án chăn nuôi an toàn sinh học đều không xảy ra dịch bệnh. |
Sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi từ 2008 - 2018, ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 5 - 6%/năm. Tuy vậy, giai đoạn từ 2018 - 2020, do dịch bệnh trên động vật và nhiều ảnh hưởng từ thị trường thế giới, đàn gia súc của cả nước sụt giảm, sự phát triển bị chững lại. Cụ thể, năm 2018, tổng số trâu cả nước là hơn 2,42 triệu con, đến năm 2020 giảm còn hơn 2,33 triệu con. Đàn lợn từ khoảng 28,15 triệu con, giảm còn 22,03 triệu con.
Để nâng cao giá trị sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thời gian qua, hệ thống khuyến nông đã triển khai gần 80 dự án khuyến nông chăn nuôi, thông qua các dự án đã từng bước thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo VietGAHP và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến giết mô, chế biến, tiêu thụ tạo sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá, các mô hình, dự án chăn nuôi an toàn sinh học đều không xảy ra dịch bệnh. Tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất bán đạt từ 94 - 96%.
Song song với đó, Trung tâm tổ chức trung bình mỗi năm 10 - 12 lớp tập huấn ToT, hàng năm tổ chức từ 3 - 5 diễn đàn khuyến nông chăn nuôi, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế. Thế nhưng, kết quả nhân rộng các dự án chăn nuôi an toàn sinh học còn chậm, đặc biệt là các cơ sở, hộ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh còn chiếm tỷ lệ thấp.
Cục Chăn nuôi cho rằng, các địa phương, cơ sở chăn nuôi cần áp dụng các giải pháp tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi. Thực hiện tốt an toàn sinh học trong chăn nuôi là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo sản xuất chăn nuôi đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Tại chương trình, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đã thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có những bước phát triển tốt.
Theo đó, phương thức chăn nuôi trên cả nước đã có những thay đổi tích cực, hình thành chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân từ 4-5%/năm, giá trị gia tăng bình quân từ 3,5 - 4,5%/năm.
Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường đều có xu hướng tăng.
Thông qua diễn đàn, bà Hạnh đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện nhằm đạt những chứng nhận như: tiêu chuẩn VietGAHP, chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. "Thực hiện tốt an toàn sinh học trong chăn nuôi là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo sản xuất chăn nuôi đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2021 và các năm tiếp theo", bà nhấn mạnh.
Về chứng nhận, bà Thúy Hạnh cho biết, hiện trên trang web của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có danh sách các đơn vị, trung tâm được phép chứng nhận, người chăn nuôi có nhu cầu có thể liên hệ với các cơ sở này để được tư vấn kỹ thuật hoàn chỉnh để đạt chứng nhận.
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cho biết, các cơ sở chăn nuôi, ngoại trừ cơ sở nhở lẻ đều có thể được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Những cơ sở có giấy chứng nhận tương đương như VietGAP thì không cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chăn nuôi an toàn sinh là rất quan trọng nhưng cần làm sao để mọi người chăn nuôi đều quan tâm và các cấp chăn nuôi khác nhau thì cần áp dụng mức độ khác nhau. Nếu chăn nuôi nông hộ mà phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ của quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như doanh nghiệp sẽ rất khó.
Thu Hằng