Cơ hội lớn để phát triển

Ban Chấp hành Trung ướng Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định rõ: “Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. 

Đối với ngành Kinh tế hàng hải: Trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế”.

Mới đây, tại hội thảo “Cơ hội để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Biên tập Báo Công Thương cho hay, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, chúng ta cần đồng bộ hóa chiến lược từ đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực đến ứng dụng công nghệ mới và hoàn thiện hành lang pháp lý.

W-cfa89c237f9acdc4948b.jpg
Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về Chỉ số hiệu quả logistics (LPI).

Hiện, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025–2035, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 12–15% tổng ngân sách quốc nội (GDP), tốc độ tăng trưởng ngành đạt 15–20% mỗi năm. Đồng thời, logistics sẽ được tích hợp trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, với 30% phương tiện chuyển sang năng lượng sạch và 80% doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số.

Nói về định hướng phát triển ngành logistics trong giai đoạn mới, ông Bùi Bá Nghiêm, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, ngành dịch vụ logistics đã có sự phát triển nhanh, trở thành ngành dịch vụ đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế đất nước.

Cơ sở hạ tầng logistics đã có những bước phát triển nhất định, từng bước dần đáp ứng nhu cầu phát triển của các hoạt động logistics.

 Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics ngày càng tăng nhanh cả về số lượng, năng lực kinh doanh và chất lượng dịch vụ cũng dần được cải thiện và thị trường dịch vụ logistics ngày càng được mở rộng, tận dụng được lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng trong các hoạt động logistics.

Theo đánh giá, tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô thị trường năm 2024 ước tính trên 45 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines).

Tuy nhiên, chi phí logistics còn cao, dao động từ 16-20% GDP, cao hơn trung bình toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cùng đó, cơ sở hạ tầng logistics còn thiếu tính liên kết, thiếu trung tâm logistics cấp vùng và quốc gia; chưa hình thành được mạng lưới kho bãi, cảng cạn, cảng trung chuyển hiện đại. Ứng dụng công nghệ số còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp logistics, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có đủ nguồn lực để đầu tư vào chuyển đổi số.

Xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại 

TS Bùi Bá Nghiêm, chuyên viên cao cấp Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, hai trụ cột chiến lược là logistics số và logistics xanh sẽ là đòn bẩy giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

TS Bùi Bá Nghiêm cho rằng, chúng ta không thể nói đến thương mại điện tử, chuyển đổi số hay tăng trưởng xanh nếu logistics không theo kịp. Doanh nghiệp logistics cần chủ động chuyển mình, thay vì chỉ đóng vai trò hậu cần.

Ông Cáp Trọng Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Macstar cho biết, phát triển logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đang đặt ra tiêu chuẩn rất cao về phát thải và môi trường.

Theo đó, hiện nay Macstar là đơn vị tiên phong triển khai vận tải thủy nội địa bằng sà lan, kết nối Hải Phòng với các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tuyến vận tải này giúp giảm 70% phát thải so với vận tải đường bộ. Ngoài ra, công ty đang đầu tư kho thông minh sử dụng năng lượng tái tạo và thử nghiệm trồng rừng để tạo tín chỉ carbon. 

Từ những thay đổi rất đáng ghi nhận nhờ ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, đây là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam và cần phải thực hiện việc này càng nhanh càng tốt. Bởi, đây là xu hướng chung của thời đại, nếu không làm, trong khi doanh nghiệp của các nước khác đã thực hiện sẽ mất đi lợi thế ngay trên sân nhà.

Cùng với đó, việc mở cửa thị trường đang cởi mở và sự cạnh tranh trên thị trường khá bình đẳng. Do vậy, chuyển đổi số logistics là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Với quy mô chưa lớn và nhân lực chưa nhiều, khi áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu suất, nâng cao tốc độ xử lý công việc.