Cùng với các hoạt động bảo tồn văn hoá và ngôn ngữ do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) triển khai, các hội nhóm, cộng đồng người Việt tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cũng nỗ lực trao truyền tiếng Việt đến thế hệ sau.
Nhiều lớp học tiếng Việt được mở miễn phí với nội dung dạy phong phú, hấp dẫn, tạo sân chơi bổ ích cho con em người Việt. Tuy nhiên, các lớp trực tiếp chỉ hỗ trợ được một số học trò nhất định nên nhiều nơi đã phát triển lớp học trực tuyến (online) dành cho học trò ở xa muốn học tiếng Việt.

Điển hình tại Úc có trường Vietschool do Tiến sĩ Trần Hồng Vân sáng lập. Chị Hồng Vân chia sẻ, tiếng Việt là di sản các con được thừa kế chứ không phải học ngôn ngữ thứ 2. Trong môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, nếu không tạo được sự thích thú sẽ khiến trẻ áp lực và chán nản. Muốn trẻ học được tiếng Việt phải tạo ra môi trường, động lực và sự mới lạ, qua đó các con tự ý thức và phát huy tinh thần tự học tiếng Việt.
Để đưa tiếng Việt thực sự đến gần hơn với các em nhỏ ở xa trường, chị đã triển khai các lớp trực tuyến với hệ thống bài tập thông qua trò chơi. Thiết kế các trò chơi học tập trên Kahoot, lồng ghép chương trình học chữ và kiến thức khoa học, đố vui và đặc biệt là sáng kiến cho học trò viết nhật ký mỗi ngày một câu bằng tiếng Việt.
Các lớp tiếng Việt online của trường chỉ học 60 phút mỗi cuối tuần nhưng kèm theo các hoạt động để bảo đảm học sinh dành thêm ít nhất 60 phút học tiếng Việt ở nhà với sự hỗ trợ của cha mẹ. Theo chị Hồng Vân, nhà trường cố gắng thiết kế những dạng bài tập để trẻ thích làm bài, nhưng rất cần sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh.
Khi học sinh tham gia học ở Vietschool, nhà trường yêu cầu phụ huynh ký cam kết nói tiếng Việt với con ở nhà và dành ít nhất một giờ mỗi tuần hoặc 10 phút mỗi ngày để động viên, giúp đỡ con làm bài.
Học tiếng Việt ở nước ngoài là một quá trình yêu thương, kiên trì giống như sự khám phá một miền đất mới đầy hấp dẫn. Có phụ huynh cùng đồng hành, các con sẽ được trở về quê hương cha, mẹ bằng ngôn ngữ và văn hóa một cách nhẹ nhàng.
Tại Hà Lan, Trung tâm Tiếng Việt Tulip do chị Nguyễn Lan Hương phụ trách với mong muốn góp phần duy trì ngôn ngữ tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt cũng như truyền bá tiếng Việt cho các sắc dân khác trên đất nước này.
Chị Lan Hương chia sẻ, trước đây kiều bào ở Hà Lan tổ chức dạy tiếng Việt theo hình thứ tự phát, không có giáo trình bài bản… Đến năm 2017, bà Ngô Thị Hòa, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan đã tổ chức lớp nên việc dạy tiếng Việt dần chuyên nghiệp, bài bản hơn. Tất cả phu nhân của sứ quán, chính Đại sứ hoặc con gái Đại sứ tham gia giảng dạy nhằm mục đích lan tỏa, giữ gìn tiếng Việt.
Trải qua các đợt dịch Covid-19, lớp học tưởng chừng bị gián đoạn, chị Lan Hương đã cố gắng duy trì lớp, chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến với hai bộ sách giáo khoa là Quê Việt và Tiếng Việt vui.
Năm 2024, chị Hương thành lập Trung tâm Tiếng Việt Tulip với tiền thân là lớp học tiếng Việt của Đại sứ quán. Chỉ một thời gian ngắn hình thành với bốn giáo viên và bước đầu giảng dạy online, trung tâm đã có lượng học sinh quan tâm học tiếng Việt khá đông ở nhiều trình độ khác nhau.
Mỗi lớp của trung tâm dạy 2 buổi/tuần. Trước hết, chị tìm mọi cách "xóa bỏ sự sợ hãi" và tiết chế nội dung học. Mỗi buổi chỉ đưa ra kiến thức vừa đủ để trẻ không thấy quá dễ và cũng không quá sợ.
Chị Lan Hương cho rằng, cần tạo tâm lý cho trẻ học tiếng Việt một cách tự nhiên, có thể cho trẻ vừa học vừa chơi rất dễ nhớ. Thông qua các trò chơi với các từ khóa tiếng Việt gần gũi, dễ hiểu, được nhắc lại nhiều lần và kết hợp với âm nhạc, tạo thêm sức hấp dẫn cho việc học ngôn ngữ.