Mười năm trước, lúc chuẩn bị về hưu, ông Nguyễn Đình Phúc, xóm Triều Lai 2, xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên, (Thái Nguyên) nghĩ đến việc làm một công việc gì đó để giúp gia đình giảm nghèo.
Khi còn đi làm, thu nhập của ông ổn định mà vẫn phải chi tiêu rất kham khổ. Với vài triệu lương nghỉ hưu thì hai vợ chồng ông chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nghĩ phải làm giàu bằng được, ông Phúc quyết định về Thường Tín (Hà Nội) tham quan mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Thấy công việc phù hợp với tuổi tác, ông nghiên cứu kỹ lưỡng trên Internet rồi lại lên Hòa Bình thăm mô hình của bạn thân để có thêm động lực làm giàu.
Năm 2010, ông Phúc quyết định mua 30 đôi chim giống bồ câu Pháp về nuôi.
![]() |
Giống chim bồ câu Pháp có sức đề kháng cao, tỷ lệ sống đạt từ 95 – 99%. |
Ông kể, “Theo quy cách, mỗi người có thể chăn nuôi hàng trăm đôi chim nhưng hai vợ chồng tôi tỷ mỷ, trau chuốt từng ly, từng tý một cho 30 đôi chim. Chúng tôi hy vọng chim sẽ lớn nhanh, đẻ đều”.
Thật may mắn vì chim bồ câu thương phẩm của ông bà có bao nhiêu đều được thương lái đến tận nơi thu mua hết. Thương lái còn đề nghị ông thu gom và mở rộng quy mô để “ăn hàng’ với khối lượng nhiều hơn.
Nhận đơn hàng, ông Phúc quyết định mở rộng quy mô với 700 đôi chim bố mẹ. Ông Phúc cho biết, để chăm 700 đôi bồ câu thì 2 vợ chồng ông mất mỗi ngày 2 tiếng.
Ông cho hay, “Nuôi chim bồ câu Pháp trước hết cần phải chú ý tới việc thiết kế làm nơi ổ đẻ để chim sinh sản, ấp trứng và nuôi con. Bởi, đây là loại động vật vừa đẻ trứng vừa nuôi con nên cần thiết kế hai ổ khác nhau, ổ đặt trứng sẽ nằm ở tầng trên và ổ nuôi con nằm ở tầng dưới. Cả hai ổ đều phải sạch sẽ, được lót rơm, nệm êm và máng ăn phải lựa chọn máng nhựa, đảm bảo sạch sẽ”.
Ngoài ra, theo ông Phúc, để đảm bảo điều kiện cho đàn chim sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc chú trọng các đợt uống vắc xin phòng bệnh, cần trang bị hệ thống làm mát để điều hòa nhiệt độ khi thời tiết ngoài trời nắng nóng. Đồng thời, sử dụng các loại men vi sinh trộn lẫn vào thức ăn, nước uống hoặc phun khử trùng tại khu chuồng trại để giảm mùi hôi thối, tăng sức đề kháng của vật nuôi.
“Giống chim bồ câu Pháp có sức đề kháng cao, tỷ lệ sống đạt từ 95 – 99%. Trọng lượng chim thương phẩm đạt tới 6 lạng/con, chất lượng thịt thơm ngon nên chẳng đủ số lượng đáp ứng thị trường”, ông nói.
Hiện tại, bình quân mỗi năm, gia đình ông xuất ra thị trường khoảng 3.000 đôi chim bồ câu thương phẩm, với giá bán dao động từ 120.000 đến 140.000 đồng/đôi.
Ngoài nuôi chim thương phẩm, hằng năm ông Phúc còn sản xuất theo đơn đặt hàng hơn 1.000 đôi chim bồ câu giống để cung ứng cho người dân trên địa bàn và các huyện lân cận trong tỉnh. Chim bồ câu giống có giá gấp đôi, gấp ba lần so với giá bán chim thương phẩm. Sau khi trừ chi phí cho cám, thuốc phòng bệnh, chuồng trại,…gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Mô hình được đánh giá cao về hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Phổ Yên đã đề nghị ông Phúc liên kết để xây dựng Tổ hợp tác chăn nuôi chim bồ câu Pháp. Tổ có 10 thành viên, ông Phúc được bầu làm tổ trưởng, ông cởi mở, nhiệt tình truyền đạt những kinh nghiệm qua gần 10 năm chăn nuôi.
Bà Ngô Thị Minh Phượng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Phổ Yên, cho hay, qua giai đoạn đầu hỗ trợ mở rộng, mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tổ hợp tác đã giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra nhóm sản xuất quy mô hàng hóa. Từ thực tế trên, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã và tổ hợp tác triển khai việc nâng cấp mô hình lên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nhằm phát triển mô hình theo hướng an toàn, bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Tuyết Nhung
Ảnh: Thu Hằng HP