Từ giai đoạn trước đến thời kỳ bắt đầu xây dựng hợp tác xã (HTX), phương thức sản xuất của nông thôn Việt Nam là thủ công, nền kinh tế tự cấp, tự túc đã hình thành không gian làng xã cũng như nhà ở nông thôn truyền thống khép kín. Không gian sản xuất (ngoài ruộng lúa) và sinh hoạt được bố trí ngay trong khuôn viên của nhà, mật độ xây dựng thường thấp, không gian cây xanh, vườn, ao chiếm diện tích lớn hơn nhiều lần diện tích xây dựng. Đa số các thực phẩm thiết yếu được tự cấp ngay tại không gian trong khuôn viên ở. Công trình nhà ở truyền thống chủ yếu là nhà một tầng, một hoặc hai mái dốc để lấy nước mưa.
Giai đoạn hợp tác hóa, nông thôn có một số thay đổi do xuất hiện những không gian sản xuất chung… nhưng việc sản xuất vẫn là thủ công, chỉ có quan hệ sản xuất là thay đổi (XHCN), đây là một mối quan hệ tiến bộ hơn, nhưng lại không đồng bộ với một phương thức sản xuất còn thủ công và lạc hậu. Vì vậy, không gian nhà ở nông thôn không có sự thay đổi lớn, sự thay đổi chủ yếu ở việc sử dụng các vật liệu mới có độ bền và vệ sinh cao hơn. Ngoài ra, nhờ sự áp dụng của một số mô hình sản xuất sinh thái nông nghiệp như Vườn – Ao – Chuồng, khuôn viên nhà ở vẫn giữ được hệ thống không gian mở chiếm ưu thế so với không gian xây dựng.
Từ khi cơ chế thị trường mở ra bên ngoài, phương thức sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra một nền kinh tế hàng hóa đã đang tạo ra nhiều đô thị lớn nhỏ trên khắp đất nước. Người nông dân không còn “thuần nông” nữa, nông thôn gần như được coi là “sân sau” của đô thị, chịu nhiều tác động xấu từ đô thị như sự ô nhiễm rác thải, nguồn nước, các vấn đề xã hội và các loại hình kiến trúc đô thị được du nhập thiếu kiểm soát…

Hơn nữa, ngày nay quá trình di dân do lao động và việc làm cũng tạo ra nhiều sự biến đổi về không gian nhà ở nông thôn. Mật độ xây dựng bắt đầu tăng lên do nhiều hồ ao, vườn bị san lấp thành đất ở. Nhu cầu về diện tích ở và tiện nghi cũng tăng lên, quỹ đất ở không thay đổi, dẫn đến sự thu hẹp của không gian mở tại nông thôn.
Từ những phân tích nêu trên, giới KTS nêu vấn đề: Khi người nông dân đã trở thành công nhân, hoặc ít nhất họ đang vừa làm nông, vừa làm các dịch vụ khác… thì họ đã thay đổi lối sống, cũng như đời sống xã hội của họ đã không giống như cha, ông trước đây. Liệu chúng ta có thể cứ bảo tồn các giá trị nhà ở truyền thống để buộc họ phải bảo vệ những kiến trúc đó?
Bởi vậy, nếu tập trung làm rõ được sự khác biệt giữa môi trường ở đô thị và môi trường ở trong đô thị nông nghiệp, cũng sẽ làm rõ được sự hình thành nhà ở trong các môi trường đó khác nhau ra sao, đặc biệt trong triển khai xây dựng nông thôn mới hiện nay.