Sau loạt bài "Tìm hướng đi bền vững cho thương mại Việt - Trung", Tuần Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả và doanh nghiệp trong nước.
Để rộng đường dư luận, góp phần phát huy nội lực Việt Nam trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, Tuần Việt Nam đã có cuộc đối thoại thẳng thắn với ông Vi Tích Thần, lãnh sự thương vụ cấp tán thuộc Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM làm rõ những vấn đề đặt ra từ hội thảo bàn tròn vừa qua...
Xin chào ông Vi Tích Thần, rất cảm ơn ông đã nhận lời mời của chúng tôi để có cuộc gặp hôm nay. Mong rằng chúng ta sẽ có cuộc trao đổi cởi mở, thắng thắn và xây dựng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng thương mại Việt - Trung hiện nay. Trước hết, xin ông cho biết Việt Nam có vị trí như thế nào trong thương mại của Trung Quốc?
|
Ông Vi Tích Thần. |
Mấy năm gần đây hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển nhanh chóng, đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đó là phát triển toàn diện, đa lĩnh vực và đi vào chiều sâu. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 9 năm liền.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2012 kim ngạch hai chiều của 2 nước đạt 50,4 tỷ USD, tăng 25,4% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, Trung Quốc xuất qua Việt Nam 34,2 tỷ USD, tăng 17,6% so cùng kỳ. Nhập từ Việt Nam 16,2 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ. Mức tăng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc cao hơn hẳn so với mức tăng của Trung Quốc vào Việt Nam.
Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều mặt hàng của Việt Nam như gạo, sắn lát, cao su thiên nhiên, các loại rau và hoa quả. Hạt điều và thủy hải sản cũng xuất nhiều qua Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù đạt được con số khá ấn tượng như vậy song nói thật, trao đổi thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của 2 nước. Việt Nam hiện đang là bạn hàng lớn thứ 5 của Trung Quốc trong các nước ASEAN.
Ông đánh giá như thế nào về thị trường Việt Nam? Có những điểm gì là mạnh? Những điểm gì là yếu?
Việt Nam đã thi hành chính sách đổi mới, mở cửa hơn 20 năm qua và đã giành được những thành tựu rất lớn. Đáng chú ý nhất là ngành nông nghiệp, từ một nước nhập khẩu gạo đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới. Các sản phẩm khác như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su thiên nhiên ... Việt Nam đều dẫn đầu thế giới.
Việt Nam đang dần dần trở thành cơ sở sản xuất của thế giới trong một số lĩnh vực như dệt may, giày dép v.v....
Ngoài nguồn tài nguyên đất ra, Việt Nam có một thế mạnh rất rõ rệt, đấy là nguồn lao động phong phú, rất trẻ và tương đối rẻ so với Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Người Việt Nam thông minh, học nhanh, học giỏi và cần cù. Dân số đông và trẻ nên sức tiêu dùng cũng tương đối lớn. Nói chung Việt Nam là một nước đầy sức sống, đầy tiềm năng về phát triển kinh tế, là một thị trường không thể bỏ lỡ đối với doanh nghiệp của các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Tuy vậy, cũng cần nói thẳng rằng, Việt Nam cũng còn một số bất cập đã hạn chế kinh tế thương mại phát triển nhanh hơn. Đặc biệt là một số chính sách, quy định thiếu minh bạch. Năng lực của một số viên chức rất yếu. Hiện tượng tham nhũng còn phổ biến. Tuy lao động Việt Nam phong phú nhưng lao động có tay nghề lại tương đối thiếu. Người lao động hay nhảy việc cũng là một hạn chế không nhỏ. Hạ tầng giao thông vừa thiếu lại vừa yếu...
Xin ông cho biết chính sách kinh tế - thương mại của Chính phủ Trung Quốc với Việt Nam?
Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu nghị có truyền thống lâu dài. Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam. Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam tiếp cận và thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc luôn thực hiện đầy đủ các thỏa thuận và nhận thức chung đã đạt được giữa 2 Chính phủ trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển, thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện .
Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp lớn, có năng lực tài chính, có uy tín của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước Việt Nam. Hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục xem xét cung cấp cho Chính phủ Việt Nam các khoản vay ưu đãi để xây dựng các dự án hạ tầng như giao thông và các nhà máy điện...
Ông lý giải thế nào về một số dấu hiệu "không được tốt" xuất hiện ngày càng nhiều không? Trước hết là nhiều dự án lớn các nhà đầu tư Trung Quốc đưa công nghệ lạc hậu, chất lượng kém vào Việt Nam; thực hiện chậm trễ kéo dài ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của dự án?
Đúng là có một số sản phẩm của Trung Quốc kém chất lượng và Chính phủ Trung Quốc cũng luôn mạnh tay chống và xử lý nghiêm hàng giả, hàng kém chất lượng, làm hết sức mình để hạn chế không cho hàng giả hàng kém chất lượng được tiêu thụ trên thị trường.
Thực tế cho thấy đại đa số hàng hóa Trung Quốc có chất lượng tốt. Nếu không sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc không thể bán chạy khắp thế giới và Trung Quốc cũng không thể trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Trên thị trường Việt Nam xuất hiện một số sản phẩm kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất, theo tôi không nên đổ tất cả trách nhiệm lên đầu doanh nghiệp Trung Quốc. Chính các doanh nghiệp và thương nhân nhập khẩu của Việt Nam cũng phải chịu phần trách nhiệm. Bởi doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc là người cung cấp hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng Việt Nam mà thôi. Trung Quốc và Việt Nam có câu "Tiền nào của nấy", cùng một sản phẩm nhưng chất lượng cũng khác nhau. Bạn không thể muốn mua chiếc xe ô tô với món tiền chỉ mua chiếc xe đạp!
Còn về các dự án công trình do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu bị chậm tiến độ, chất lượng kém, công nghệ lạc hậu v.v...khách quan mà nói, thực sự có tồn tại những hiện tượng nêu trên. Nhưng đây không phải là tất cả, chỉ một tỷ lệ nhỏ thôi.
Sở dĩ tôi nói như vậy là vì doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành lực lượng chủ yếu trong lĩnh vực nhận thầu công trình của Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực giao thông, điện lực và cơ sở hạ tầng. Nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đạt hiệu quả rất tốt, phát huy vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam, được sự đánh giá cao của Chính phủ Việt Nam và nhà đầu tư.
Tiếc rằng những thông tin tốt đẹp như vậy ít được đăng báo và dân chúng Việt Nam không được tiếp cận. Phần lớn họ chỉ được biết các thông tin không tốt qua báo chí.
Thử hỏi, nếu doanh nghiệp Trung Quốc kém quá như nhiều thông tin đăng báo hàng ngày thì làm sao họ đứng vững được trên thị trường Việt Nam?
Hơn nữa, theo tôi được biết, không có một dự án "có vấn đề" nào là hoàn toàn do doanh nghiệp Trung Quốc mà ra. Để hoàn thành dự án, không ít doanh nghiệp Trung Quốc phải ra giá cao hơn nhiều so với họ cần phải chịu. Ví như công tác giải phóng mặt bằng, trật tự an toàn ở hiện trường v... Ở một dự án khá lớn do Trung Quốc thi công, đúng ngày thứ hai sau khi lãnh đạo cấp cao)dự lễ khánh thành, nhiều vật tư đã bị kẻ xấu lấy mất. Nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra. Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ quan ngại nhưng nhiều vụ chưa được giải quyết...
Duy Chiến (thực hiện)
(Còn nữa)