Để phát huy thành quả cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2022, TP Hà Nội đề ra kế hoạch phát triển chăn nuôi công nghệ cao với những giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2030.

{keywords}
Chăn nuôi lợn công nghệ cao. 

Về quy hoạch, cần tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Được ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở những vị trí thuận lợi cho sản xuất; được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, môi trường.  

Xây dựng phương án tổ chức chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tiễn sản xuất và điều kiện hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của vùng, khu; phù hợp với khả năng huy động vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân.

Về chính sách, tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao; thu hút đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để đề nghị Trung ương và HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và hoàn thiện những nội dung không còn phù hợp.

Tập trung phát triển ở các khu, vùng đã được quy hoạch tại 05 khu chăn nuôi tập trung, 97 xã chăn nuôi gia súc, gia cầm trọng điểm với 119 trang trại chăn nuôi được ứng dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao.

Về khoa học - công nghệ, áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cao hiện hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, chuồng lạnh, tự động hóa chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hữu cơ và các mô hình kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thức ăn áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất thức ăn. Sử dụng nguồn nguyên liệu đơn trong nước, các sản phẩm phụ trong nông nghiệp để tổng hợp chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Tập trung xây dựng vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch cho các trang trại chăn nuôi công nghệ cao. Sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y đến cơ sở để giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, nhất là các địch bệnh nguy hiểm, kịp thời ngăn chặn không để dịch lớn xảy ra trên diện rộng.

Về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đào tạo nước ngoài và đào tạo trong nước cho hệ thống cán bộ quản lý, các chủ doanh nghiệp, trang trại đáp ứng công nghệ tiến tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

Đào tạo ở nước ngoài đối với cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cấp thành phố, chủ trang trại lớn tập trung vào quản lý trang trại, sản xuất, chế biến, phòng chống dịch bệnh tại các nước có ngành chăn nuôi tiên tiến như Pháp, Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Đài Loan (TQ)... Đào tạo trong nước cho các đối tượng là cán bộ quản lý cấp thành phố, cấp huyện, chủ trang trại tại các viện, trường, các trung tâm đào tạo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tăng cường tập huấn chuyên môn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Thu Hằng