Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, cuốn sách Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản của GS.TS. Furuta Motoo, Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật (ĐHQG Hà Nội) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp cùng Sbooks phát hành, mang ý nghĩa đặc biệt.

Không đơn thuần là một công trình học thuật, cuốn sách là kết tinh gần 50 năm gắn bó, nghiên cứu nghiêm túc và đầy tâm huyết của một trí thức Nhật Bản dành cho đất nước và con người Việt Nam. Khác với lối viết sử truyền thống theo biên niên, Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản dung hòa giữa trải nghiệm cá nhân và phân tích học thuật, giữa quan sát xã hội và nghiên cứu hàn lâm.

f5409ec5cfef79b120fe.jpg
Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật

GS.TS. Furuta Motoo bắt đầu nghiên cứu Việt Nam từ cuối thập niên 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt. Với luận văn tốt nghiệp về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông dấn thân vào hành trình học thuật kéo dài gần nửa thế kỷ, trở thành một trong số rất ít học giả Nhật Bản am hiểu sâu sắc lịch sử hiện đại Việt Nam.

Cuốn sách gồm 10 chương, bao quát toàn diện các khía cạnh lịch sử, kinh tế, xã hội của Việt Nam từ đời sống sinh hoạt, ngôn ngữ, tín ngưỡng đến thể chế chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, ngoại giao, vai trò khu vực... Những vùng đất đặc trưng như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Đông Nam Bộ hay các đô thị tiêu biểu như Hà Nội, Huế, TPHCM… cũng hiện lên sinh động qua quan sát thực tế của tác giả.

Một trong những điểm nổi bật của cuốn sách là cách tiếp cận từ dưới lên. GS. Furuta không đi vào các sự kiện lớn mà tập trung khai thác đời sống thường nhật để lý giải bản chất xã hội. Hành động “xin đường” khi đi xe đạp, cảnh người cắt tóc vỉa hè vội vã chạy khi gặp lực lượng trật tự – những hình ảnh đời thường ấy được ông nhìn nhận như biểu hiện của một xã hội linh hoạt, thích nghi cao và vận hành mạnh mẽ từ cơ sở.

Từ những quan sát ấy, ông đưa ra nhận định gây chú ý: Việt Nam là một xã hội “khó cai trị” chứ không “vô tổ chức”. Ông dùng từ “bất trị” không với nghĩa tiêu cực mà để chỉ sức sống nội tại và khả năng tự điều chỉnh cộng đồng. Theo GS. Furuta, mô hình kiểm soát từ trên xuống của Nhật Bản khó áp dụng nguyên vẹn tại Việt Nam - nơi sức ép từ cơ sở có thể đảo chiều các quyết định hành chính.

Ở lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, tác giả không chỉ liệt kê số liệu mà nhấn mạnh chiều sâu văn hóa. Từ việc tổ chức lễ "nhập trạch" khi chuyển trụ sở Trường ĐH Việt Nhật đến việc bảo tồn cây đa và cổng làng trên đường Võ Chí Công (Hà Nội), ông chỉ ra tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam không chỉ mang tính tâm linh mà còn là cách ứng xử linh hoạt, thực tiễn trong đời sống cộng đồng.

Phần nghiên cứu về chữ viết cũng là một điểm nhấn học thuật. GS. Furuta nhìn nhận chữ Quốc ngữ là một cuộc cách mạng thầm lặng, giúp nâng cao dân trí nhưng cũng gây ra sự đứt gãy trong tiếp nhận di sản Hán học - một chủ đề ông để ngỏ cho tranh luận học thuật.

Dù một số quan điểm trong sách mang tính cá nhân và có thể khác biệt với cách nhìn chính thống, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vẫn giữ nguyên lập luận của tác giả, đồng thời khẳng định đó là góc nhìn riêng không đại diện cho quan điểm của đơn vị này. Chính sự khách quan, trung thực này làm nên giá trị đặc biệt của cuốn sách - một cách nhìn từ bên ngoài nhưng đầy cảm thông và sâu sắc.