Thạc sỹ Nguyễn Thị Hiền, Giảng viên Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào là một trong những gương mặt nổi bật trong cộng đồng kiều bào ở đất nước Lào.

Tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Sư phạm I Hà Nội năm 1995, chị Hiền tiếp tục theo học Thạc sỹ chuyên ngành Lý luận ngôn ngữ. Cô gái quê Thái Bình đã gặp và nên duyên với người đàn ông Lào tên Xay Nhạ Sản làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ ở Việt Nam. 

Vượt qua rào cản về khoảng cách, văn hóa, năm 2002, chị theo chồng sang định cư ở Viêng Chăn (Lào). Để hòa nhập với cuộc sống mới, chị Hiền đã đăng ký khóa học tiếng Lào 1 năm. 

W-ee8cff37 3e01 4b0e bedc 9e071a891070.jpg
Sách giáo khoa tiếng Việt đồng hành cùng kiều bào trong hoạt động gìn giữ, bảo tồn tiếng Việt. 

Tháng 10/2003, Đại học Quốc gia Lào thành lập Khoa Tiếng Việt và chị Hiền được nhà trường mời làm giáo viên dạy hợp đồng tại khoa. 

Những ngày đầu mới thành lập khoa, giáo viên dạy không có giáo trình. Khi về Việt Nam ăn Tết năm 2004, chị đã chủ động tìm mua sách dạy tiếng Việt. Sau đó, chị xin Chương trình giảng dạy tiếng Việt bên Việt Nam để các giảng viên dựa vào đó xây dựng khung chương trình dạy tiếng Việt cho Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào.

Hiện nay, công việc chính của chị Hiền là giảng dạy, đào tạo sinh viên hệ cử nhân ngôn ngữ tiếng Việt. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia dạy tiếng Việt cho học sinh hệ dự bị tiếng Việt, học sinh ở trường phổ thông và được mời đi dạy nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Việt ở nhiều cơ quan, ban ngành. 

Thủ đô Viêng Chăn có trên 100 ngàn người Việt Nam làm ăn, sinh sống. Do đó, nhu cầu học tiếng Việt của con em kiều bào rất lớn. Để các thế hệ con cháu biết tiếng Việt, duy trì ngôn ngữ của dân tộc luôn là vấn đề được cộng đồng kiều bào ở đây ưu tiên. 

Năm 2022, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Người Việt Nam ở Thủ đô Viêng Chăn cùng Chùa Phật tích Viêng Chăn mở lớp tiếng Việt miễn phí cho con em người Việt. Lớp học duy trì 3 buổi/tuần, mỗi khóa học kéo dài 06 tháng, học xong được cấp chứng chỉ.

Tham gia dạy tiếng Việt miễn phí ngay từ khoá đầu tiên, lớp cách nhà 10km nhưng chị Hiền chưa vắng mặt buổi nào. Những giờ học tiếng Việt thu hút được đông đảo con em kiều bào đến lớp. Không chỉ dạy chữ, chi Hiền còn trao truyền đến các em những nét văn hóa, phong tục, tập quán độc đáo của đất nước mình. Qua đó, nhen nhóm tình yêu Tổ quốc và khơi dậy ý chí vươn lên, luôn hướng về nguồn cội. 

Trong gia đình, vợ chồng chị Hiền thống nhất sử dụng tiếng Việt, chỉ khi đi làm, đi học mới dùng tiếng Lào. Nhờ đó, hai con gái của anh chị có thể giao tiếp trôi chảy tiếng Việt. Năm 2023, con gái lớn của chị được Bộ Giáo dục Lào trao học bổng hiệp định sang du học ở Việt Nam. Hiện cô gái mang hai dòng máu Việt – Lào đang theo học tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. 

Theo chị Hiền, các dự án dạy tiếng Việt cho con em kiều bào góp phần gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Lào và lan tỏa tiếng Việt tới cộng đồng người bản địa, giúp tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Việt – Lào, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh.

Năm 2024, trở về Việt Nam tham dự Hội thảo về dạy tiếng Việt ở nước ngoài do Đại học Quốc gia tổ chức, chị giới thiệu tham luận “Một số lỗi phát âm thường mắc của sinh viên Lào học tiếng Việt và một vài giải pháp khắc phục”. Bài tham luận của chị Hiền được các nhà chuyên môn đánh giá cao. 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền là thành viên của Hội đồng biên dịch cuốn Ký sự lịch sử “Lần theo dấu tích lịch sử con đường Hồ Chí Minh trên đất Lào”. Cuốn sách phát hành 3000 bản, được giới chuyên gia và độc giả đón nhận nhiệt liệt, đánh giá cao. 

Năm 2009, chị vinh dự được Chủ tịch nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì thành tích dạy Tiếng Việt, lan toả văn hoá Việt trên đất Lào.