Trong đó phải kể đến việc tỉnh đã đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo hướng hiện đại hóa, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Đổi mới theo hướng hiện đại hoá
Theo đó, việc phổ biến, tuyên truyền luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như: Hội nghị, thảo luận tại các cuộc họp, lồng ghép vào sinh hoạt của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; các chuyên trang, chuyên mục Pháp luật và Đời sống, các tin bài, cấp phát tờ gấp pháp luật; xây dựng tiểu phẩm tình huống pháp luật và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội zalo, facebook.
Việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật được tỉnh Quảng Trị triển khai dưới nhiều hình thức, từ thi viết như thi Tìm hiểu Hiến pháp 2013, tìm hiểu pháp luật phòng chống tham nhũng; thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; đến việc tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu như thi tìm hiểu chương trình cải cách hành chính....
Thời gian qua, các mô hình mới, cách làm hiệu quả, sáng tạo được các địa phương trong tỉnh triển khai và áp dụng, như: Mô hình CLB “Ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền” của huyện Vĩnh Linh; mô hình “Ông bà mẫu mực trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và con cháu nêu gương ông, bà, cha, mẹ” ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang….
Sự ra đời của các CLB được tổ chức sinh hoạt định kỳ lồng ghép với việc tuyên truyền pháp luật đã phần nào hạn chế được xích mích, mâu thuẫn trong các gia đình; gia đình sống hòa thuận, con cháu hiếu thảo với ông, bà, cha mẹ; tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, đùm bọc yêu thương nhau trong hoạn nạn, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, mất an ninh trật tự thôn xóm đã được đẩy lùi.
Tại thành phố Đông Hà có mô hình PBGDPL thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các câu lạc bộ như “Tuổi trẻ và pháp luật” ở các phường 2, phường 4, phường Đông Lương; mô hình PBGDPL thông qua tư vấn pháp luật do Phòng Tư pháp thành phố xây dựng chuyên mục trên trang thông tin điện tử thành phố để thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL, giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính cho nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn các mô hình tuyên truyền pháp luật có hiệu quả như: Khu phố không có tội phạm, tệ nạn xã hội; Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội; Giảm tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Đakrông; Cổng trường an toàn giao thông;…
Riêng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh có các mô hình: Không có con em và người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tại Chi hội An Trú, xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong); Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật tại xã Hải Quế, Hải Sơn, Hải Thành; Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội và Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm pháp luật (huyện Hải Lăng); Thôn không có tội phạm tại xã Mò Ó (huyện Đakrông); Giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội - An toàn giao thông, tại thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang (huyện Gio Linh)...
Ngoài ra, các cấp Hội duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động 250 Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, mô hình “Chi hội, tổ phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” với 13.848 thành viên. Tại các câu lạc bộ, Hội phối hợp với Công an tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tín dụng đen, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Các mô hình này hoạt động có hiệu quả, dần đi vào chiều sâu, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội. Thông qua hoạt động của các mô hình các hội viên được tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông qua cách tiếp cận này các hội viên sẽ truyền đạt các kiến thức được tiếp nhận đến người dân trên địa bàn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Bên cạnh việc đổi mới hình thức PBGDPL, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị cũng chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.
Đầu tiên là chú trọng việc cung cấp thông tin về pháp luật cho người dân, như tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về pháp luật; thường xuyên cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới trên Cổng thông tin của tỉnh, sở, ngành; bảo đảm tính công khai, minh bạch, đầy đủ để mọi người dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng miễn phí.
Sau thời gian thực hiện, đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã có trang thông tin điện tử và đã thực hiện đăng tải văn bản pháp luật, thông tin pháp luật trên trang.
Như Sở Giáo dục và Đào tạo hiện đã mở chuyên mục Phổ biến pháp luật trên website của Sở; Sở Ngoại vụ khai thác miễn phí thông tin qua trang thông tin điện tử, đã đăng tải các tin, bài liên quan đến hoạt động của ngành, các văn bản chỉ đạo điều hành; còn Thanh tra tỉnh đã ký hợp đồng với thư viện pháp luật để cung cấp dịch vụ tiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan; đồng thời thường xuyên theo dõi và giải đáp thắc mắc các quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho tổ chức, cá nhân qua cổng thông tin điện tử Thanh tra tỉnh; cập nhật và phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật ban hành mới thuộc các lĩnh vực chuyên môn của Thanh tra tỉnh lên trang thông tin điện tử của cơ quan để cung cấp thông tin kịp thời cho tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ công tác;...
Việc các cơ quan, đơn vị và địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL. Xác định việc ứng dụng công nghệ là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay.