À Ố Show, tự nó đã là một bản "hòa âm điền dã"  của quê nghèo đất Việt. Nó họa lại hình dong của một đất nước đẹp và buồn bằng lòng yêu thương và nhẫn nại. Như nó đã muôn đời như thế!

"Xin cho em, một chiếc áo dài.

Cho em đi, mùa Xuân tới rồi.

Mặc vào người rồi ra.

Ngồi lạy chào mẹ cha.

Hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ..."

Cách đây mấy hôm, tôi mang những câu hát này ngân nga trong đầu khi đi chụp một show áo dài. Tôi nhớ ca khúc Tuổi Ngọc, nhớ tuổi thơ tôi với Sài Gòn hoa mộng, nhớ thuở "đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư [1]"...

Nhưng quả thực là một thất vọng, khi tôi phải nghe hàng tràng "gợi cảm", "trung hậu", đảm đang", "bất khuất"... Những từ ngữ rất thời thượng mà người ta vẫn gán cho người phụ nữ Việt Nam, nay được tuôn ra dễ dàng, lập đi lập lại một cách rập khuôn.

Chiếc áo dài trong buổi trình diễn ấy, không còn là trang phục của tuổi học trò vô tư lự nữa. Mà là thời trang, thời thượng và hợp lẽ mọi đàng...về mặt tuyên giáo.

Thế mới biết, trình bày một giá trị văn hoá, tưởng đã thành vĩnh cửu và bất biến như chiếc áo dài Việt Nam là việc hoàn toàn không dễ dàng, thậm chí sẽ thành phản cảm nếu có quá nhiều định dạng cứng nhắc.

Với tâm thế đó, tôi đã đi coi À Ố show với một tâm thế "lòng không đầu trống". Nghĩa là không Google, không đọc báo, không biết gì về nó cả. Và cứ tưởng nó là một show trình diễn văn hoá dân tộc với áo tứ thân xanh đỏ, nón quai thao, mắt lá dăm với micro đong đưa câu quan họ. Hay với con trâu, mục đồng, sáo diều vi vút...

{keywords}

Tôi lầm! À Ố là một show xiếc- vũ kịch cực kỳ tiết độ. Dưới nền ánh sáng trắng- vàng, đổ bóng rất chăm chút để không thấy rõ mặt các diễn viên, người xem chỉ thấy hình khối, chuyển động, trên nền trang phục rất chân quê của người nông dân Nam bộ: quần lửng đen, cởi trần hoặc mảnh yếm hững hờ với hai màu đen trắng. Trang phục giản dị đó, đi chung với những đạo cụ cũng đơn sơ không kém: những thúng, những mủng, rổ rá, cây tre, quang gánh, ... Và dưới sự khéo léo của các nghệ sĩ xiếc, các vật dụng thân thuộc của đồng quê Việt đã cất lên tiếng hát bằng hình thể và chuyển động của chúng. Những chiếc thúng biến thành cánh đồng sen chập chờn, quang gánh nở hoa lung linh, và những khúc tre không sơn phết biến thành những đường nét kỷ hà, vạch ra những bố cục tuyệt đẹp trên sân khấu.

Nhìn họ múa, họ hát, họ nhào lộn... trên sân khấu mà thấy lòng như thắt lại với bức tranh của đồng quê Việt. Tất tả, lam lũ, nhọc nhằn nhưng không nhục nhằn, hồn nhiên mà không giả tạo, buồn bã mà không bi luỵ, thơ mộng mà không đỏm dáng...

Chỉ với đoạn đầu, À Ố show đã xứng đáng được gọi là bản Berceuse[2] của đất nước, ruộng đồng và người nông dân Việt. Nó đẹp và buồn, nó làm lòng ta bồi hồi nhớ đến mùi mồ hôi trên vai áo mẹ, hay mùi trầu không cay cay của bà... Nó làm ta chỉ muốn nghiêng mình trước những giá trị cần lao, cực nhọc của người nông dân Việt, với vô vàn kính trọng và thương mến.

À Ố show không chỉ làm ta cay cay trong mắt, mà còn làm ta bật cười vì những mảng miếng rất nhà nghề và chăm chút về cuộc sống đương đại: một chị nạ dòng uốn éo aerobic, một anh tẩm quất rong, chiếc xe bus chật ních người với một gã say ngật ngưỡng... Và cả tiếng "À, Ố" rất đặc trưng Việt Nam mỗi khi mất điện!

Bức tranh muôn màu muôn vẻ đó được trình bày lần lượt theo chiều trên dưới, tả hữu, qua những khung hình cách điệu phân chia sân khấu bằng tre, khảm vào nhau theo kiểu giao diện mosaic rất hiện đại của Windows 8 hay điện thoại Lumia thời thượng.

Nhưng sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập đến phần âm thanh của show diễn lạ lùng này. Với đôi tai nghe nhạc nhiều năm của mình, tôi khẳng định nó đạt chuẩn audiophile, nghĩa là nó hoàn hảo, tinh sạch và không chút tạp âm. Hệ thống loa thượng hạng của nhà hát đã trình diễn trọn vẹn từng thanh âm lách cách của gióng tre gõ vào nhau, diễn tả tròn trịa tiếng trống nặng chình chịch, hay đổ đầy khán phòng cái âm thanh thê lương, não nuột của tiếng kèn lâm khốc... Âm nhạc và âm thanh ấy được trình diễn sống, bởi những nhạc công vô cùng điêu luyện.

Âm nhạc ấy, đã làm cho các bạn Tây tròn mắt với kỹ năng chạy ngón thoăn thoắt trên một cây guitare điện phím lõm, trôi bềnh bồng trên sân khấu.

Người nhạc công ấy, đã trình diễn bằng violon một medley (liên khúc) đặc sắc giữa bản Serenade thuần tuý Tây phương và những giai điệu vọng cổ đầy chất Nam bộ, trước khi đi xuống giữa khán phòng và chìm dần vào bóng tối.

Ban nhạc ấy, "tấu hài" bản Jingle Bells bằng đàn tranh, đàn nguyệt và làm khán giả bật cười vì vẻ ngượng ngập vô cùng duyên dáng của sự vụng về cố ý ấy.

Trong một giờ đồng hồ, bức tranh âm thanh, ánh sáng, vũ điệu, hình thể của đời sống Việt ấy dao động, chông chênh theo một đảo phách, một tiết tấu cresendo - diminuendo[3] xen kẽ và được sắp đặt kỹ lưỡng. Nó làm cảm xúc ta, mắt ta, tai ta, lòng trí ta... cũng được nâng lên hạ xuống theo từng cung bậc trên sân khấu.

Và nó kết thúc bằng những bông hoa gạo đỏ, rơi lả tả trên sân khấu, chao lượn quanh những chiếc thúng đong đưa. Những chiếc thúng ấy, khi được lót vào dăm chiếc gối êm ái như vẫn thường thấy ở các resort, ắt sẽ làm ta muốn sà vào, cuộn tròn để ngủ như một đứa trẻ trong vành nôi mẹ.

Còn những chiếc thúng trong À Ố show, chúng phủ lấy lòng ta và làm nở hoa những ký ức và cảm xúc rất đỗi lạ lùng về quê hương. Một quê hương nghèo và đẹp!

Nguyên tuyền, chăm chút và điêu luyện! Ba điều ấy, làm cho mọi nghệ thuật được nâng lên đến tầm phổ quát mà không cần chú giải cao xa rối rắm. À Ố show, tự nó đã là một bản "hoà âm điền dã"[4] của quê nghèo đất Việt. Nó hoạ lại hình dong của một đất nước đẹp và buồn, như nó đã muôn đời như thế, bằng lòng nhẫn nại và yêu thương!

Nhưng mà tại sao, ở xứ mình cái gì đẹp đều buồn? Và cứ phải buồn mới đẹp?

Theo Lê Đình Phương/ TTVH cuối tuần

--------------

(*): Lấy từ bản dịch Symphonie Pastorale - Andre Gide của Bùi Giáng

[1] Thơ Huy Cận

[2] Thể loại ru con trong âm nhạc cổ điển Tây phương

[3] Thuật ngữ âm nhạc tiếng Ý: mạnh dần – nhẹ dần

[4] Lấy ý từ bản dịch Symphonie Pastorale – Andre Gide của Bùi Giáng