- Michael chậm rãi kể lại những câu chuyện anh biết về Việt Nam: Một ông bố mỗi ngày sau giờ làm việc chở con gái khiếm thính trên xe máy lên một trung tâm cách xa nhà một tiếng đồng hồ để đi châm cứu chữa bệnh; một em bé mười bốn tuổi phải nghỉ học đi nhặt củi trong rừng để góp một phần lao động cho gia đình, một bà cụ 60 tuổi phải thức dậy 3 lần trong một đêm, kéo dài suốt 35 năm để đưa con gái đi vệ sinh…

Tin liên quan:


"Gặp những người khuyết tật Việt Nam tôi thật sự nể phục vì sự lạc quan của họ", Michael nói.
Michael một thanh niên đến từ nước Úc xa xôi, có thời gian làm việc dài tại Việt Nam, anh nói rằng những câu chuyện trên khiến anh không thôi bị ám ảnh.

Xúc động vì gian khó mà vẫn chân thành

Gặp Michael trong một buổi chiều đông khi anh sang Hà Nội trình bày báo cáo của mình về các vấn đề liên quan đến bảo trợ xã hội cho người khuyết tật tại Việt Nam. Trò truyện với Michael, anh vừa kể lại những kỉ niệm, đưa ra những bức ảnh chụp tại Việt Nam và hơn thế anh còn say sưa nói về nghiên cứu khoa học của mình về bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật cũng như khuyến nghị về cách xử lý nó trong tình trạng Việt Nam bằng tiếng Việt rõ ràng.

Anh kể: Tôi sinh sống và làm việc tại Việt Nam khoảng 4 năm, từ Nam ra Bắc, gặp gỡ nhiều người với nhiều hoàn cảnh, tôi đặc biệt quan tâm tới những người khuyết tật. Tôi xem mình là người rất may mắn được có dịp làm quen với nhiều người. Thời gian quý báu học tập và làm việc tại trường Y Tế Công Cộng Hà Nội (năm 2007), tôi được phỏng vấn 27 hộ gia đình có thành viên bị khuyết tật ở hai xã Sao Đỏ và Lê Lợi (thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Công việc đó cho tôi nhiều nhìn nhận về cuộc sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật ở Việt Nam nói chung và ở 2 xã tôi làm việc nói riêng.
Hai cụ ông khiếm thị đi bán chổi tự lo cuộc sống.
Anh nhớ lại: Thời gian tôi đi phỏng vấn, nhìn một “anh Tây” cao lênh khênh bước vào nhà, rất nhiều người dân ở Chí Linh đều thấy lạ. Thế nhưng sau vài ba câu chuyện, thì câu hỏi của tôi được người dân trả lời cởi mở và thẳng thắn. Anh xúc động kể lại: “Tôi được nhiều người địa phương đặt câu hỏi, ở nước Úc người khuyết tật được nhận bảo trợ thế nào? Hay gần gũi hơn như cô gái đi cùng có phải vợ anh không? Anh có thích sống ở Việt Nam không? Anh thấy con gái Việt Nam thế nào? Những câu hỏi đó làm tôi cảm thấy rất gần gũi”.

Trợ cấp cho người khuyết tật quá ít!

Nhà khoa học có sự yêu quý bằng lý trí. Michael nói rằng mình cũng như vậy. Một phần nghiên cứu của anh là tìm hiểu tình hình kinh tế của những hộ gia đình có người khuyết tật tại Việt Nam. Anh mong muốn từ nghiên cứu đó sẽ gửi thông điệp đến những người làm chính sách trong Chính phủ để có thể thay đổi chính sách về bảo trợ xã hội cho người khuyết tật theo hướng có lợi hơn cho họ.

Làm những nghiên cứu, khảo sát tại huyện Chí Linh, Michael đi đến kết luận: “Tôi thấy những người khuyết tật có tỷ lệ nghèo (tính theo thu nhập) và có chi phí y tế cao hơn so với những người bình thường. Những hộ gia đình có người lao động chính bị khuyết tật nặng có nguy cơ thiếu thu nhập cao nhất. Vấn đề chính cho đa số hộ gia đình có người khuyết tật là vấn đề chi phí y tế”.

“Hướng đến sự phát triển cao hơn, theo tôi đất nước của các bạn cần điều chỉnh một số chính sách cụ thể hơn để đáp ứng các nhu cầu của những hộ gia đình có người khuyết tật” Micheal nói
Michael đến gặp từng gia đình. Có nhiều gia đình anh gặp mà trong nhà chỉ có một người lao động, lại có đến 2 người khuyết tật, nên rất khó để nuôi dạy con cái, đặc biệt là chi trả học phí cho chúng. Michael nói thêm: “Tôi cùng đồng nghiệp đã phỏng vấn một số hộ gia đình với chi phí y tế cho NKT đến 100 triệu đồng trong khi lương một tháng chưa quá 1 triệu. Với số tiền lớn như thế, họ không có khả năng để tự chi trả  được, thậm chí không thể vay họ hàng hay người quen, chứ đừng nghĩ đến việc phải vay ngân hàng với lãi suất cao khiến tình hình kinh tế gia đình tồi tệ hơn và không thể thoát khỏi cảnh nghèo được”.

Kết hợp thực tế thiếu thu nhập cùng với chi phí y tế cao thì điều này trở thành một tai họa tài chính cho những hộ gia đình có người khuyết tật. “Tự trách mình” là gánh nặng của gia đình rất ảnh hưởng đến tinh thần của thành niên khuyết tật. Vì thế cần phải có chính sách hỗ trợ chi phí y tế và trợ cấp dành cho họ, Micheal nói.

Theo dõi rất kĩ những chính sách hiện thời của nhà nước dành cho người khuyết tật, anh  phân tích “Theo tôi được biết Việt Nam đã có nhiều điều luật liên quan đến các nhóm đối tượng có nguy cơ nghèo đói cao nói chung và người khuyết tật nói riêng. Chính sách bảo trợ dành cho họ là đúng đắn nhưng chưa đủ để giải quyết những nhu cầu chính của họ (vấn đề thiếu thu nhập và chi phí y tế). Cụ thể, theo nghiên cứu của chúng tôi, số tiền trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật tại Việt Nam thì quá thấp, chỉ bằng số tiền mua thức ăn cho họ trong vòng một tuần”.

“Còn về bảo hiểm y tế thì chưa đủ chi trả chi phí nằm viện và thuốc men. Kết quả này cùng với cuộc điều tra y tế quốc gia cho thấy rằng tỷ lệ người cần điều trị tại những bệnh viện cấp cao (cấp tỉnh và trung ương) ở người khuyết tật cao hơn so với những người bình thường. Chi phí y tế nội trú của người khuyết tật có thẻ bảo hiểm cao gần gấp ba lần so với những người bình thường có thẻ bảo hiểm. Cho nên kết quả nghiên cứu của tôi ủng hộ những chính sách bảo trợ ưu tiên cho đối tượng bị khuyết tật nặng” Michael nói trong băn khoăn.

Michael còn nói “hóm hỉnh” về mong mỏi trợ cấp: Số tiền trợ cấp cần tăng lên ít nhất 300.000 đồng một tháng để người khuyết tật có thể trang trải chi phí ăn uống. Chứ không thì với tình hình lạm phát cao trong vài năm vừa qua, đời sống của người khuyết tật càng khó khăn!
Nhà khoa học yêu quý bằng lý trí. Michael yêu quý những người khuyết tật ở Việt Nam và muốn nghiên cứu của mình có thể góp thêm tiếng nói bảo vệ và giúp đỡ người khuyết tật.

Giúp đỡ kiểu ủng hộ chỉ là… tạm thời

Michael Palmer giành nhiều tình cảm với Việt Nam, anh đã từng sống và làm việc tại đây từ  năm 2001. Năm 2007 anh về Úc hoàn thành nốt nghiên cứu của mình. Đến hôm nay khi nghĩ tới Việt Nam anh vẫn băn khoăn về tình trạng của những gia đình có thành viên bị khuyết tật.

Anh nói: “Các hộ gia đình mà chúng tôi đã gặp, trách nhiệm của họ nằm ở việc chăm sóc người khuyết tật và họ rất cần sự giúp đỡ về mặt tài chính. Nghiên cứu của chúng tôi và một số nghiên cứu khác ở Việt Nam cho thấy rõ ràng, họ còn là đối tượng hay bị xã hội phân biệt.
 
Còn những chính sách bắt buộc người dân đóng góp, quyên tiền giúp đỡ những người nghèo và khuyết tật, sẽ khiến sự phân biệt xã hội tồi tệ hơn, vì người khuyết tật sẽ bị xem thường như là đối tượng nhận cứu tế xã hội. Bởi vậy hướng đến sự phát triển hơn, theo tôi đất nước của các bạn cần điều chỉnh một số chính sách cụ thể hơn về bảo trợ xã hội để đáp ứng các nhu cầu của những hộ gia đình có người khuyết tật”.

  • T.Phan (Ghi)