Biến chứng từ gan nhiễm mỡ 

Ngày 12/7, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) thông tin, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của đơn vị vừa tiếp nhận người bệnh nữ, 29 tuổi, mang thai lần hai, được chuyển từ một bệnh viện Sản khoa. Trong lần mang thai đầu, người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, phải mổ lấy thai do em bé quá lớn.

Lần mang thai này, người bệnh được phát hiện tiền sản giật, một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Do đó bác sĩ đã chủ động mổ lấy thai ở tuần thứ 36, may mắn là bé chào đời khỏe mạnh.

Tuy nhiên, vài giờ sau sinh, sức khỏe người mẹ đột ngột chuyển biến xấu: Vàng da, lơ mơ, khó thở, suy gan, suy thận nặng nghi ngờ Hội chứng HELLP - một bệnh lý hậu sản cực kỳ nghiêm trọng.

Ngay lập tức, một cuộc hội chẩn liên viện khẩn cấp được diễn ra và người bệnh được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng nguy kịch, sốc, phải đặt nội khí quản, chức năng gan - thận và đông máu suy sụp nhanh chóng.

Tại đây, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc bước đầu định hướng đây là một trường hợp gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ, tuy hiếm gặp nhưng cũng nguy hiểm không kém trong bối cảnh tiền sản giật, có thể dẫn đến suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, hôn mê và tử vong nếu không xử trí kịp thời.

Dù đã trải qua 5 lần thay huyết tương thể tích cao, lọc máu liên tục kết hợp với điều trị nội khoa tối ưu cùng với việc liên tục bồi hoàn các chế phẩm máu, nhưng vẫn rối loạn đông máu nghiêm trọng. Người bệnh dần rơi vào hôn mê sâu, tụt huyết áp, hồng cầu tụt nhanh chóng, vết mổ rỉ máu, thành bụng phình to, siêu âm tại giường ghi nhận có rất nhiều dịch, nghi ngờ có chảy máu trong ổ bụng sau 1 ngày phẫu thuật mổ lấy thai.

thay mau.png
Sản phụ được truyền 17 lít máu và các chế phẩm từ máu. Ảnh: BTH.

Ngay lập tức bác sĩ điều trị kích hoạt báo động đỏ toàn viện. Chỉ sau 5 phút, người bệnh được chuyển thẳng vào phòng mổ. Ê-kíp phẫu thuật viên của Bệnh viện Nhân dân 115 phối hợp cùng Bệnh viện Hùng Vương mở bụng khẩn cấp kiểm tra toàn diện nhưng không thấy chảy máu từ gan, lách, ruột, tử cung hay phần phụ. Khi tách cơ thành bụng, ê-kíp phát hiện một ổ máu tụ lớn, hút ra hơn 2 lít máu đỏ sậm. Không rõ điểm chảy máu, ê-kíp quyết định chèn gạc cầm máu, đóng bụng, đặt dẫn lưu và tiếp tục theo dõi sát.

"Thay máu" toàn cơ thể

Sau cuộc mổ, người bệnh tiếp tục chảy máu âm ỉ, có lúc hemoglobin (chỉ số đánh giá thiếu máu) xuống kịch sàn chỉ còn 2 g/dL. Người bệnh đã phải truyền tổng cộng gần 10 lít hồng cầu, 5 lít huyết tương tươi và 3 lít tiểu cầu. Có thể nói, bệnh nhân gần như được thay toàn bộ lượng máu trong cơ thể.

Các chuyên gia từ Bệnh viện Truyền máu Huyết học được hội chẩn nhằm thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xem người bệnh có rối loạn tiềm tàng về huyết học không. Các kết quả trả về đều bình thường, như vậy vẫn là do tình trạng suy gan và rối loạn đông máu chưa hoàn toàn hồi phục.

Thêm nhiều lần lọc máu liên tục, thay huyết tương thể tích cao và trải qua 2 lần phẫu thuật cầm máu, người bệnh tỉnh dần, rút ống thở sau 4 ngày, tình trạng chảy máu ổ bụng giảm, chức năng gan thận dần hồi phục. Sau hơn 15 ngày chăm sóc hậu phẫu tích cực, người mẹ trẻ đã được xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ oà của cả gia đình và đội ngũ y tế.

Gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ là một bệnh lý hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, thường xảy ra vào tam cá nguyệt thứ ba hoặc ngay sau sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng, tử vong cho cả mẹ và thai nhi.

 Phụ nữ mang thai cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo sau:

 • Mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn ói kéo dài.

 • Đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.

 • Vàng da, tiểu ít, phù, nhức đầu, rối loạn tri giác.

 • Ngứa không rõ nguyên nhân, xuất huyết bất thường, sốt muộn.

Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên khám đúng hẹn, báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như trên.