Từ ngày 1/7, tỉnh Quảng Ngãi (mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Quảng Ngãi (cũ) và Kon Tum.

Trước thời khắc “về chung một nhà”, cả hai địa phương đã hoàn tất nhiệm vụ lớn: Xóa hơn 9.000 căn nhà tạm, nhà dột nát - một trong những vấn đề an sinh xã hội cấp thiết.

Cả Quảng Ngãi (cũ) và Kon Tum đều không bỏ sót đối tượng yếu thế. Các hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sạt lở được ưu tiên đặc biệt. Những mái nhà kiên cố góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê - từ miền núi hiểm trở đến vùng sâu, vùng xa.

Khơi dậy tinh thần cùng nhau vượt khó

Tại Quảng Ngãi (cũ), chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công và gia đình chính sách đã hoàn thành sớm hơn 2 tháng so với yêu cầu của Chính phủ.

Tính đến ngày 20/6, toàn tỉnh đã hoàn thành xây mới và sửa chữa 6.331 căn nhà gồm 4.149 căn xây mới và 2.182 căn sửa chữa. Tổng kinh phí hơn 319 tỷ đồng, trong đó trên 57 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Anh 1.jpeg
Các đội xung kích, nhóm thợ “0 đồng” luân phiên hỗ trợ sửa chữa, dựng nhà cho hộ nghèo. Ảnh: N.X

Không chỉ hoàn thành về số lượng, Quảng Ngãi còn ghi dấu ấn với cách làm sáng tạo, linh hoạt từ cơ sở. Các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, huy động tối đa nguồn lực xã hội để đẩy nhanh tiến độ.

Nhiều nơi thành lập đội xung kích, tổ dân vận, nhóm thợ “0 đồng” luân phiên hỗ trợ sửa chữa, dựng nhà cho hộ khó khăn. Những mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, gắn kết cộng đồng.

Lực lượng đoàn viên thanh niên, công an, bộ đội địa phương đóng vai trò nòng cốt, với hơn 90.000 ngày công được huy động. Họ tham gia dọn nền, đào móng, dựng khung, lợp mái - mang lại diện mạo mới cho hàng nghìn gia đình ở vùng sâu, vùng xa.

Anh 2.jpeg
Lực lượng vũ trang ở Quảng Ngãi góp ngày công hỗ trợ người dân xóa nhà tạm. Ảnh: N.X

Tỉnh cũng chủ động áp dụng cơ chế linh hoạt như: Ứng trước kinh phí mua vật liệu, điều phối nhân công giữa các xã trong huyện, xử lý kịp thời vướng mắc do địa hình, thời tiết, vận chuyển.

Thông tin tiến độ và kết quả thực hiện được cập nhật thường xuyên qua hệ thống Mặt trận, đoàn thể và đài truyền thanh cơ sở. Nhờ đó, chương trình tạo được sự đồng thuận cao trong dân - không chỉ hỗ trợ nhà ở mà còn khơi dậy tinh thần cùng nhau vượt khó.

Nền tảng để an cư

Tại Kon Tum, chương trình xóa nhà tạm cũng được triển khai khẩn trương. Đến ngày 24/6, tỉnh đã hoàn thành xây mới và sửa chữa 2.740 căn - gồm 2.220 căn xây mới và 520 căn sửa chữa, đạt 100% chỉ tiêu.

Tổng kinh phí thực hiện khoảng 148,8 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, người dân còn đóng góp thêm khoảng 49,6 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để dựng nhà.

xóa nhà tạm 2 gigapixel standard v2 4x faceai.jpeg
Anh 3.jpeg
Lực lượng công an vận chuyển vật tư giúp người dân xóa nhà tạm. Ảnh: N.Đ

Cách làm của Kon Tum được đánh giá hiệu quả khi giao nhiệm vụ cụ thể đến từng xã, thôn, đồng thời khuyến khích thành lập “tổ vận động xóa nhà tạm” gồm bí thư chi bộ, công an viên, cán bộ mặt trận. Các tổ này đến từng hộ dân tuyên truyền, dọn nền, tháo dỡ nhà cũ, tổ chức thi công.

Huyện Kon Rẫy là một điểm sáng khi chủ động ứng trước 5% kinh phí thường xuyên để mua vật liệu, rút ngắn thời gian triển khai mà không phát sinh thủ tục rườm rà.

Anh 8 gigapixel low resolution v2 6x.jpeg
Căn nhà nhỏ nhưng chứa đựng ước mơ lớn của người dân nghèo miền núi. Ảnh: N.X

Phong trào thi đua cộng đồng “ai có công góp công, ai có của góp của” được phát động rộng khắp. Lực lượng biên phòng, công an trực tiếp chở vật tư, xây móng, dựng mái cho hàng trăm căn nhà ở vùng khó khăn.

Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, giúp người dân hiểu rằng: Đây không chỉ là chính sách “cho nhà” mà là nền tảng để an cư - từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nơi bắt đầu cho hành trình thoát nghèo

Anh 4.jpeg
Ngôi nhà mới kiên cố trên vùng cao Quảng Ngãi, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: N.Đ

Khi tỉnh Quảng Ngãi (mới) chính thức đi vào hoạt động, hàng nghìn mái nhà kiên cố đã hiện diện ở những vùng từng gặp nhiều khó khăn. Những căn nhà ấy không chỉ là chốn che nắng mưa, mà còn là biểu tượng của một khởi đầu đúng hướng - nơi chính quyền đặt người dân ở vị trí trung tâm, bắt đầu từ điều căn bản nhất - an cư để lạc nghiệp.

Trong bối cảnh bộ máy hành chính được tinh gọn sau sáp nhập, một hệ thống an sinh vững chắc sẽ giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất - tạo điều kiện để chính quyền mới vận hành trơn tru, hiệu quả.

Anh 6.jpeg
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích đóng góp, hỗ trợ kinh phí cho phong trào xoá nhà tạm. Ảnh: N.Đ

Phát biểu tại hội nghị tổng kết chương trình xóa nhà tạm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, những mái nhà kiên cố không chỉ là chốn che nắng che mưa, mà còn là nơi ươm mầm hy vọng, nơi bắt đầu cho hành trình thoát nghèo, ổn định cuộc sống và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho hàng nghìn hộ dân.

“Chúng ta đã hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng. Nhưng điều cốt lõi vẫn là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Việc xóa nhà tạm chỉ là bước đầu. Điều quan trọng hơn là phải giúp người dân thực sự vươn lên trong cuộc sống”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Gia Lai tăng tốc xóa nhà tạm, nhà dột nát sau sáp nhập
Chưa đầy một tháng sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai mới đã thể hiện rõ quyết tâm đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được duy trì xuyên suốt, nay đã tiến sát vạch đích với nhiều kết quả ấn tượng.