Lê Gia là thương hiệu nước mắm truyền thống từ làng chài Khúc Phụ (xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nơi có bề dày hơn 200 năm lịch sử. 

Công ty TNHH Thực phẩm & Thương mại dịch vụ Lê Gia (Công ty Lê Gia) là nhà sản xuất các sản phẩm nước mắm, mắm truyền thống và gia vị thực phẩm từ hải sản mang thương hiệu Lê Gia. Với nguyên liệu được chọn lọc kỹ lưỡng như cá cơm tươi béo mập, muối hạt ủ hai năm và phương pháp nén gài trong thùng gỗ 24 tháng, Lê Gia mang đến những giọt nước mắm thuần khiết, tự nhiên và hoàn toàn không có phụ gia. 

W-anh bai le gia.jpg
Công ty Lê Gia luôn đồng hành hỗ trợ ngư dân thu hoạch nguyên liệu làm nước mắm.

Với quy mô chế biến 50 tấn cá mỗi năm, tương đương với 25 nghìn lít nước mắm, công ty đã có doanh thu từ 10 đến 15 tỷ đồng. Tính đến tháng 3/2025, Lê Gia đã tạo việc làm cho gần 200 người (ngư dân, diêm dân, người lao động làng biển), với phần lớn là phụ nữ và gián tiếp tạo sinh kế cho hàng nghìn lao động khác.

Trong hoạt động của mình, Lê Gia luôn đồng hành cùng ngư dân phát triển kinh tế biển. Cụ thể, công ty cam kết bao tiêu các sản phẩm đúng chất lượng theo quy định với giá thu mua cao hơn tối thiểu 30% so với thị trường; hỗ trợ chi phí làm thủ tục giấy tờ, chi phí bốc dỡ qua cảng để xác định nguồn gốc sản phẩm; ứng trước tiền mua dầu cho tàu cá của ngư dân thực hiện theo hợp đồng... Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp với các đồn biên phòng, chính quyền địa phương để đồng hành trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân.

Để phát triển chuỗi liên kết, từ khi thành lập (năm 2017) đến nay, công ty đã đầu tư công nghệ chế biến sâu (tiệt trùng nguyên lọ, sản xuất các thực phẩm ăn liền tiện lợi từ nguyên liệu địa phương) như: ruốc tôm sú, ruốc chà bông tép biển, gia vị hoàn chỉnh... biến nguyên liệu địa phương thành sản phẩm tiện lợi, gia tăng giá trị. 

Không dừng lại ở sản xuất, Lê Gia còn tiên phong trong việc quảng bá văn hóa làng nghề thông qua mô hình du lịch trải nghiệm. Du khách đến đây không chỉ được tìm hiểu quy trình làm mắm mà còn được nghe những câu chuyện sinh động về đời sống ngư dân. 

Tháng 5/2024, Lê Gia đã hoàn thành đầu tư, đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp, chế biến sâu các sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, thân thiện môi trường gắn với khai thác lợi thế du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm. 

Nhà máy được xây dựng trên diện tích hơn 10.000m2, thiết kế theo xu hướng thân thiện với thiên nhiên. Mô hình này không chỉ nâng cao giá trị du lịch địa phương mà còn góp phần duy trì nghề truyền thống và gia tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân, góp phần phát triển kinh tế biển và du lịch biển.  

Chỉ tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2024, nhà máy đã đón khoảng 15.000 lượt khách tham quan, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của du lịch nông thôn và du lịch làng nghề tại Thanh Hóa.

“Mục tiêu của Lê Gia không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những sản phẩm tinh túy từ biển mẹ mà còn tạo ra một vòng tuần hoàn bền vững, đồng hành bên cạnh ngư dân và diêm dân, cùng nâng cao nhận thức về khai thác thủy sản có trách nhiệm và tuân thủ các quy định chung, tạo sinh kế bền vững. Doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm đều đặn cho ngư dân, diêm dân địa phương, giúp họ an tâm bám biển và duy trì nghề truyền thống”, ông Lê Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm & Thương mại dịch vụ Lê Gia chia sẻ.

Thời gian tới, Lê Gia sẽ tổ chức các buổi truyền thông, giáo dục cộng đồng để giúp ngư dân chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Cùng với đó là xây dựng mô hình hợp tác minh bạch – cùng có lợi: ký kết hợp đồng đầu tư trước mùa vụ, hỗ trợ thiết bị hoặc huấn luyện kỹ thuật; từng bước hình thành nhóm “ngư dân xanh – đánh bắt có trách nhiệm”, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển địa phương.