Hơn 3 năm qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh, đặc biệt là nông sản, liên tục duy trì đà tăng trưởng. Đây là thành quả của những nỗ lực của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, đồng thời phản ánh những lợi ích của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) kể từ khi hiệp định này có hiệu lực vào tháng 5/2021.
Ông Thái Trần, Giám đốc Điều hành Công ty TT Meridian, doanh nghiệp chuyên phân phối nông sản Việt Nam tại Anh cho biết, vải thiều, bưởi da xanh, dừa xiêm, măng cụt, ổi lê, chanh leo, thanh long... là những mặt hàng công ty bán tốt tại Anh trong năm qua. Ông nhận định, đây là những trái cây có khả năng cạnh tranh tại thị trường này.
Năm 2023 và 2024, nhiều nông sản xuất khẩu sang Anh cũng tăng trưởng cao, như rau quả tăng gần 17% (24,3 triệu USD); hạt điều tăng 13% (gần 97,8 triệu USD); cà phê tăng hơn 11% (hơn 101,1 triệu USD).
Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt hơn 770 triệu USD vào năm ngoái, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh.
Đáng chú ý, nhiều trái cây đặc sản lần đầu xuất khẩu chính ngạch sang Anh như cam Canh, bưởi Diễn, cam Cao Phong, quýt Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, sầu riêng Ri6, vải u hồng, vải thiều không hạt…, nhận được phản hồi tích cực từ thị trường.

Đặc biệt hơn, một số nông sản thực phẩm và trái cây tươi đã có mặt tại các chuỗi siêu thị cao cấp và trung lưu của Anh như Whole Food, Marks & Spencer (M&S), Waitrose…
Ông Thái Trần đánh giá, cơ hội mở rộng thị trường tại Anh là lớn. Tuy nhiên, để cạnh tranh, đặc biệt trong thời đại công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp cần liên tục nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để tạo ra sản phẩm không chỉ ngon, chất lượng ổn định mà còn có thời gian bán hàng trên kệ (shelf life) dài.
Bởi, dung lượng thị trường hàng nông sản Việt ở Anh tăng hay không phụ thuộc lớn vào shelf life của sản phẩm bởi các nhà phân phối sẽ không mặn mà với thời gian bán hàng trên kệ ngắn.
Mặt khác, nông sản Việt cũng phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan, Malaysia hay các nước nhiệt đới vùng Mỹ Latinh, châu Phi.
Do đó, theo ông Thái Trần, các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản cần rất lưu ý tính cạnh tranh về giá, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng ở Biển Đỏ đang khiến chi phí logistics đường biển và đường bay đều tăng cao.
Để hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Anh, ông Thái Trần khuyến nghị Việt Nam đàm phán để Anh dỡ bỏ yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với một số loại trái cây hoặc đối với sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản uy tín của Việt Nam. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nội địa hướng đến tính chuyên nghiệp để được vào 'bảng xếp hạng' uy tín mà còn giúp giảm đáng kể chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các lô hàng vận chuyển đường hàng không.
Ông Thái Trần cũng đề xuất thực hiện chiến lược "Xây dựng thương hiệu nông sản Việt ở Anh" và phong trào "Người Việt ở Anh tin dùng và ủng hộ hàng Việt" nhằm nâng cao nhận thức về chất lượng, giá trị của nông sản Việt ở sở tại.