Sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 139/139 xã vào cuối năm 2019, TP Hải Phòng đã bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025; là bước tiếp theo trong hành trình dài đưa công cuộc xây dựng NTM đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, mang tính bền vững, tạo sự bứt phá toàn diện trong lĩnh vực “tam nông”.
Giai đoạn 2020-2023, thành phố phê duyệt và triển khai đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu tại 92 xã thuộc 7 huyện, trong đó có 8 xã triển khai thí điểm năm 2020, 14 xã năm 2021, 35 xã năm 2022 và 35 xã năm 2023. Theo Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND ngày 18-7-2023 của HĐND thành phố về xây dựng xã NTM thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 7-9- 2023 của UBND thành phố, năm 2024, thành phố tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu tại 45 xã còn lại của 6 huyện.

Tuy nhiên, do khó khăn trong cân đối nguồn vốn đầu tư công xây dựng NTM kiểu mẫu, nên thành phố ưu tiên phê duyệt xây dựng NTM kiểu mẫu tại 13 xã thuộc 2 huyện An Dương, Thủy Nguyên để các xã kịp thời hoàn thành về đích NTM kiểu mẫu trong năm 2025 cùng với hoàn thành Đề án thành lập quận tại huyện An Dương và thành lập thành phố tại huyện Thủy Nguyên.
Năm 2024, thành phố tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại 45 xã của 6 huyện. Thành phố chấp thuận danh mục đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu tại 13 xã (trong đó có 3 xã thuộc huyện An Dương, 10 xã thuộc huyện Thủy Nguyên) với tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng (bình quân 115 tỷ đồng/xã).
Đến nay, thành phố bố trí 2.047 tỷ đồng thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu năm 2024, trong đó bố trí 8 xã thực hiện năm 2022-2023 là 47 tỷ đồng; bố trí 35 xã thực hiện năm 2023- 2024 là 1.545 tỷ đồng; 13 xã thực hiện năm 2024-2025 được bố trí 455 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 4/2024, thành phố giải ngân các công công trình NTM kiểu mẫu được 529,508 tỷ đồng, đạt 25,8%.
Ngay sau khi có quyết định các công trình NTM kiểu mẫu đầu tư năm 2024, các địa phương tập trung triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng. Tại phần lớn các địa phương, người dân đều nhiệt tình ủng hộ chủ trương xây dựng NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, ở một số địa phương, hiện việc vận động người dân tự nguyện tặng cho quyền sử dụng đất còn gặp khó khăn, do giá trị đất cao, diện tích đất tặng cho lớn đối với một số hộ dân, hoặc sau khi tặng cho diện tích đất ở còn lại ít nhưng không đủ điều kiện để bố trí chỗ ở mới. Một số hộ khó khăn trong xác định nguồn gốc đất dẫn đến chưa thực hiện được công tác lập phương án hỗ trợ vật kiến trúc. Công tác di chuyển hạ tầng kỹ thuật điện (cột hạ thế, cột trung thế) còn chậm do số lượng nhiều, kinh phí di chuyển lớn trong khi không có cơ chế hỗ trợ...
Gỡ vướng để bảo đảm tiến độ NTM kiểu mẫu, các địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động người dân tặng cho quyền sử dụng đất để thực hiện nâng cấp, mở rộng các tuyến đường; chỉ đạo các đơn vị nhà thầu tập trung vật tư, nhân công và máy móc thiết bị để thi công hoàn thành các công trình bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình.
Đối với đề xuất của một số địa phương về việc bố trí kinh phí hỗ trợ di chuyển, hạ ngầm hệ thống điện từ nguồn kinh phí xây dựng NTM kiểu mẫu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổng hợp, báo cáo UBND thành phố để sớm chỉ đạo biện pháp tháo gỡ vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công trình đúng kế hoạch.