Tại thôn Đông, xã Thanh Trù, huyện Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), nhắc đến gia đình bà Nguyễn Thị Dự, người dân nơi đây đều dành sự ngưỡng mộ và kính trọng. Không chỉ nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình bà Dự còn là điển hình tiêu biểu trong xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Bà Dự chia sẻ, ngay từ ban đầu, bà đã sớm ý thức được “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Xác định được điều này, trong những năm qua bà luôn lấy đó làm thước đo trong dạy dỗ và giáo dục con cái, xây dựng gia đình hòa thuận. Không những thế, vợ chồng bà luôn động viên, giáo dục các con sống hòa thuận, anh chị em trong gia đình phải biết kính trên, nhường dưới, thương yêu, sẻ chia và thấu hiểu lẫn nhau, biết vâng lời cha mẹ, quý trọng người lớn tuổi, kính trọng bà con lối xóm. Chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của địa phương.

Đặc biệt là từ khi phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gia đình bà luôn tích cực tham gia thực hiện tốt các nội dung tiêu chí và đi đầu trong các phong trào của địa phương.

Được biết, trước đó bà Dự còn giữ vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi của xã Thanh Trù và là Trưởng Ban Phật giáo, Phó Ban Quản lý di tích của xã.

Có thể nói, trong những năm qua, công tác xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc được tỉnh Vĩnh Phúc coi là nhiệm vụ trọng tâm và luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. 

W-vinhphucgiadinh.png
Năm 2024, tỷ lệ gia đình văn hoá trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt gần 95%. Ảnh minh hoạ.

Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề “Xây dựng gia đình hạnh phúc trong tình hình mới”. Tổ chức triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình; nhận diện các xu hướng, vấn đề mới ảnh hưởng đến gia đình hiện nay, đặc biệt đối với trẻ em và những kinh nghiệm thực tiễn; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác gia đình trong tình hình mới...

Thực hiện các hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025. 

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng được tỉnh thực hiện nghiêm túc. Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp thường xuyên được kiện toàn; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất cho chính quyền các cấp thực hiện phong trào hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương.

Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào được chú trọng triển khai; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức đa dạng nhằm phổ biến ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung và những tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hoá đến mọi tầng lớp nhân dân. 

Việc bình xét, suy tôn các gia đình văn hoá tiêu biểu hằng năm đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Với nhiều hoạt động sôi nổi, hiệu quả, phong trào xây dựng gia đình văn hoá trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình. 

Phong trào đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hay được các cấp hội, đoàn thể triển khai hiệu quả như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng "Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", gia đình "5 không, 3 sạch"; Hội Nông dân với phong trào "Gia đình nông dân hạnh phúc"; Hội Cựu chiến binh với phong trào "Gia đình hội viên gương mẫu"...

Năm 2024, tỷ lệ gia đình văn hoá trên địa bàn tỉnh đạt gần 95%. Các gia đình văn hoá tiêu biểu chính là những tấm gương sáng, khẳng định trên thực tiễn gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; gia đình vượt khó đi lên, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực… Họ là những hình mẫu, minh chứng cho thấy một gia đình hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng và ấm no. 

Thành tựu từ xây dựng gia đình văn hoá chính là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Được biết, trong thời gian tới, để phong trào xây dựng gia đình văn hoá ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung và xây dựng gia đình văn hoá nói riêng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, chính quyền trong việc triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hoá một cách đồng bộ, thiết thực.

Có cơ chế chính sách khuyến khích động viên kịp thời, nhân rộng những điển hình tiêu biểu; triển khai công tác bình xét các danh hiệu gia đình văn hoá chặt chẽ, công khai, dân chủ, căn cứ đúng quy trình và tiêu chí đã được đưa ra, tạo động lực để mỗi gia đình phấn đấu.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, huy động sự tham gia, phối hợp của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội địa phương trong triển khai xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc.