philippines-typhoon.jpg
Hai đứa trẻ chơi gần cột điện bị quật ngã sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào thành phố Tacloban hôm 9/11. Ảnh: Reuters

>> Sau siêu bão, Viber miễn phí mọi cuộc gọi cho người dùng Philippines/ Viễn thông bắt đầu khôi phục tại Tacloban đổ nát và đau thương

Điện thoại cố định và di động "tê liệt" tại nhiều nơi

Thông tin liên lạc trong bão Haiyan là một thách thức với Philippine. Trong siêu bão vừa qua, các cơ quan chức năng hầu như chỉ dựa vào điện thoại vệ tinh và sóng phát thanh quân đội. Ủy ban Viễn thông Quốc gia (NTC) cho biết dịch vụ di động “bị xuống cấp hoặc gián đoạn”, không thể liên lạc được qua điện thoại cố định và di động tại miền Đông Samar; Palo, Leyte; Tacloban, miền nam Leyte; Biliran.

Tình hình còn tồi tệ tới mức không thể liên lạc với quan chức chính phủ bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin đang có mặt tại Leyte để giám sát nỗ lực phòng chống bão. Đài phát thanh, truyền hình, các hãng thông tấn cũng không thể tiếp cận được đội ngũ của họ.

Ngày 9/11, Liên Hợp quốc cùng chính phủ Philippine gửi các đội ứng cứu khẩn cấp tới thành phố Tacloban để khôi phục đường dây liên lạc trong khu vực và vùng phụ cận bị bão Haiyan tàn phá. Nhiệm vụ của đội là thiết lập hệ thống viễn thông khẩn cấp để phối hợp và cứu trợ thiên tai.

Hôm Chủ nhật (10/11), hãng viễn thông Globe Telecom và Smart Communications cho biết đã lắp đặt một trạm phát sóng tạm thời tại thành phố Tacloban, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão Haiyan.

Theo thông cáo, Globe cho biết trạm này phục vụ “yêu cầu thông tin liên lạc khẩn cấp của chính quyền địa phương và các cơ quan tham gia vào hoạt động ứng phó thiên tai”. Smart bắt đầu cung cấp dịch vụ “Libreng Tawag” tại Tacloban, sử dụng vệ tinh liên kết với tổ chức chính phủ của Pháp Telecoms Sans Frontieres và đặt trạm gọi điện thoại miễn phí gần trụ sở cảnh sát thành phố.

Hiện tại, Globe thông báo gần 20% trạm phát sóng tại Visayas đã hoạt động trở lại, 471 trạm tại miền nam Luzon và Mindanao đã được sửa chữa. Hãng còn thiết lập các trạm sạc điện thoại và gọi điện miễn phí.

Tận dụng tối đa Facebook, Google+

Người dân Philippines đã quá quen trước cuộc đổ bộ của các cơn bão. Họ cùng nhau cảnh báo và giúp đỡ những nơi cần thiết, dùng mọi công cụ có thể, từ truyền miệng đến Internet, điện thoại di động. Tổng thống Benigno Aquino III không chỉ phát đi thông báo cho mọi người qua website chính thức mà còn trên cả trang Facebook để thông điệp được truyền đi nhanh hơn. Trong khi đó, Trung tâm quản lý và giảm nhẹ thiên tai quốc gia (NDRRMC) liên tục phát sóng dự báo thời tiết kể từ sáng thứ Năm (7/11). Bộ Khoa học và Công nghệ giúp người dân cập nhật liên tục tình hình cơn bão qua dự án NOAH (dự án cung cấp thông tin cảnh báo sớm về cơn bão, thảm họa tự nhiên, dự báo lũ lụt).

satellite.gif
Dự án Noha cung cấp thông tin về tình hình siêu bão

Đối với một quốc gia luôn bị thiên tai ghé thăm, chuẩn bị là tối quan trọng để sống sót. Philippine được gọi là “thủ đô nhắn tin” của thế giới vì gần như mọi người dân nơi đây đều sở hữu không dưới 2 điện thoại di động, luôn giữ liên lạc qua SMS, mạng xã hội. Những ngón tay giờ đây bận rộn hơn bao giờ hết khi các gia đình nhắc nhở từng thành viên chuẩn bị kỹ lưỡng. Các hãng viễn thông như Smart hay Globe, Sun Cellular đã mở sẵn trạm sạc điện thoại và trung tâm hỗ trợ tại các khu vực bị động đất trước đây, đảm bảo cung cấp dịch vụ gọi điện miễn phí trong tâm bão.

Gần 30 triệu trên tổng số 100 triệu dân đều nối mạng, dùng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Google+ cũng như ứng dụng gọi điện Internet như Skype, Viber để gọi gia đình và bạn bè tại khu vực nguy hiểm. Nhờ công cụ này, họ nhanh chóng biết được thông tin cảnh báo từ chính phủ, chia sẻ các mẹo để sống sót qua giai đoạn nguy nan, đồng thời còn bổ sung các thông tin mà cơ quan chức năng và báo chí chưa biết cho người khác.

Ngoài ra, hãng tìm kiếm Google còn sử dụng dữ liệu để xây dựng bản đồ khủng hoảng riêng về Philippine, tung ra trang web tìm người thân bị mất tích. Người dùng có thể chọn 1 trong 2 lựa chọn: một xác định vị trí người mất tích, một cung cấp thông tin về ai đó. Tới tối ngày 9/11, dịch vụ đã theo dấu được hơn 400 cái tên.

Tin nhắn của nhà mạng có thể giúp người dân giữ mạng sống

Trong bối cảnh cơn bão Haiyan vừa đi qua, Philippine càng thấy rõ tầm qua trọng của hoạt động chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó bao gồm cả việc cung cấp thông tin cảnh báo cho công chúng thông qua tin nhắn của nhà mạng. Đại diện của Đảng Bayan – Neri Colmenares cho biết dịch vụ như thế “ít nhất giảm bất tiện, nhầm lẫn và giảm thiểu thảm họa xảy ra, giúp mọi người giữ được mạng sống”. Dịch vụ này nằm trong dự luật House Bill 353 được ông đệ trình lên Hạ viện, yêu cầu cơ quan chính phủ gửi đi cảnh báo qua di động với sự giúp sức của hãng viễn thông. Theo đó, bất cứ khi nào có bão, bão lớn, lũ lụt, sóng thần hay các thảm họa khác, nhà cung cấp dịch vụ di động đều phải gửi tin cảnh báo theo yêu cầu của cơ quan có liên quan.

Biện pháp có thể khắc phục được vấn đề của hệ thống cảnh báo cũ kỹ của chính phủ, giúp người dân biết được thông tin một cách sớm nhất. Cảnh báo được gửi trực tiếp đến thuê bao di động trong khu vực bị ảnh hưởng và vùng phụ cận, bao gồm tin tức quan trọng, khu vực sơ tán, điểm cứu trợ dưới dạng SMS hoặc MMS hay email. Nếu chậm trễ trong quá trình thông báo hoặc cảnh báo sai, nhà mạng phải chịu khoản phạt theo quy định.

Tổng hợp