
Theo New York Post, dù có chủ đích hay vô tình, hãng hàng không United Airlines đã tặng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump một món quà sinh nhật ý nghĩa. Ngày 14/6 khi ông Trump tròn 79 tuổi, hãng hàng không Mỹ đã thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Newark tới Nuuk, thủ phủ của Greenland.
Chuyến bay kết nối Mỹ với Greenland, nơi ông Trump quả quyết sẽ sáp nhập bằng cách này hay cách khác, đã cho thấy người dân bình thường ở xứ sở cờ hoa cũng có thể tới hòn đảo ở Bắc cực này. Greenland không phải là một vùng đất kỳ ảo không thể tiếp cận, vì trên thực tế Greenland còn gần New York hơn so với Đan Mạch. Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền của Đan Mạch đối với Greenland hiện đã trở thành vấn đề danh dự với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Tiếp nối chuyến bay của United Airlines tới Nuuk, một ngày sau đó, máy bay chở Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hạ cánh xuống vùng đất này. Trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo Đan Mạch và Greenland, ông Macron mô tả mối đe dọa đối với hòn đảo là lời cảnh báo cho toàn bộ châu Âu.

Tuy nhiên, tại sao ngay từ đầu ông Trump lại muốn có mảnh đất Bắc Cực này? Sự quan tâm của vị tổng thống Cộng hòa này với Greenland thực tế đã bộc lộ ngay từ khi ông lên nắm quyền ở Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Nằm giữa Bắc Mỹ và châu Âu, Greenland có vị trí then chốt để theo dõi các vụ phóng tên lửa và hoạt động hải quân của Nga qua khoảng trống Greenland - Iceland - Anh, một điểm nghẽn quan trọng ở Đại Tây Dương. Căn cứ quân sự lớn nhất tại đó - căn cứ không gian Pituffik hiện thuộc sở hữu của Mỹ.
Tổng thống Trump rất chú ý tới khía cạnh an ninh. Washington đã bày tỏ quan tâm tới việc mở rộng sự hiện diện quân sự tại Greenland bằng cách đặt hệ thống radar ở vùng biển nối liền Greenland - Iceland - Anh.
Người đứng đầu Mỹ cũng để mắt tới nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào chính quyền Greenland từ chối khai thác vì lý do biến đổi khí hậu. Hòn đảo sở hữu nhiều khoáng sản quý hiếm, gồm cả đất hiếm để sử dụng cho ngành công nghiệp kỹ thuật cao và nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên, ước tính lên tới 17,5 tỷ thùng dầu.
Hồi tháng 3, ông Trump đã phái Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tới Greenland. Ông Vance tuyên bố, Đan Mạch không đảm bảo được an toàn cho Greenland và nói việc Mỹ kiểm soát khu vực này sẽ là cơ hội cho người dân địa phương.
Greenland là thuộc địa của Đan Mạch từ đầu thế kỷ 18 và tới năm 1979, hòn đảo đảo này mới được trao quyền tự chủ. Năm 2009, Đạo luật Tự quản mới trao quyền tự chủ mở rộng cho người dân địa phương đối với các vấn đề nội bộ của đảo. Về mặt kỹ thuật, người Greenland được phép trưng cầu dân ý về độc lập nhưng phải được Đan Mạch chấp thuận.
Hiện nay, Đan Mạch vẫn kiểm soát chính sách đối ngoại và phòng thủ của Greenland. Do Đan Mạch là thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên Greenland cũng là một phần của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này.
Greenland không phải là quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhưng lại liên kết với khối như một trong 25 quốc gia và vùng lãnh thổ hải ngoại (OCT) của EU. Một trang web về luật của EU cho biết, "công dân OCT là công dân EU". Do đó, người dân Greenland được coi là công dân EU.
Việc ông Trump muốn sáp nhập Greenland vào Mỹ không phải là không có tiền lệ. Mỹ từng tìm cách mua hòn đảo này ít nhất 2 lần, vào năm 1867 và năm 1946. Điểm khác biệt hiện nay là Mỹ đã nắm vị thế ưu tiên ở Greenland thông qua các căn cứ quân sự và các hiệp ước với Đan Mạch, một đồng minh lâu năm của Washington. Khoáng sản và các tuyến đường vận chuyển hoàn toàn có thể thương lượng mà không cần dùng tới vũ lực.


