Ngày 19/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, Chính phủ đã bổ sung có một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP (Từ điều 81 đến 85). Cụ thể, văn bản mới bổ sung thêm mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên các “ứng dụng di động”  tương tự đối với mức xử phạt trên các website thương mại điện tử.

Các mức xử phạt cụ thể là: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như: Không cung cấp thông tin và hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử; tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới.

Một số hành vi liên quan tới việc bổ sung hồ sơ đăng ký, thông báo; Quy cách công bố thông tin; cơ chế rà soát hợp đồng; chấm dứt hợp đồng; xây dựng chính sách bảo vệ thông tin cá nhân không đúng quy định... được bổ sung mới hoặc giảm từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (trước đây) xuống còn từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Mức tiền phạt quy định tại Nghị định này và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Ngoài việc bị phạt tiền, thì tùy nội dung từng hành vi và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền '.vn' hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Nghị định số 124/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/1/2016.

Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công thương, với khoảng 39% dân số sử dụng Internet, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của ngành TMĐT và cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Theo số liệu báo cáo, ngành TMĐT tại Việt Nam vẫn đang trên tăng trưởng. Năm 2013, tổng doanh thu từ TMĐT đạt con số 2,2 tỷ USD. Dự báo, trong năm 2015, tổng doanh thu từ lĩnh vực này có thể đạt đến con số hơn 4 tỷ USD.

Thương mại điện tử di động tại thị trường Việt Nam cũng đang là thị trường mầu mỡ khi Việt Nam tiêu thụ 28,7 triệu chiếc điện thoại di động, trong đó hơn 40% là di động thông minh trong năm 2014.