Một mặt, ngoài lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng, tạo lợi thế rõ ràng cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của hai nước thâm nhập thị trường của nhau, mặt khác với các cam kết liên quan đến phát triển bền vững, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) còn là khuôn khổ quan trọng cho các hoạt động hợp tác về thương mại xanh và công bằng, xu thế phát triển quan trọng trên toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.
Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả nhà đầu tư Anh, đang ngày càng quan tâm hơn đối với vấn đề môi trường và khí hậu. Mặt khác, Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu với hơn 3.000 km bờ biển.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để thực hiện những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu.
Bên cạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng nhằm nâng cao nội lực nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất; các ngành công nghiệp Việt Nam cũng đang có sự chuyển dịch chiến lược trong sản xuất, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Để thực hiện hiệu quả những định hướng trên, Bộ Công Thương đã thông qua “Kế hoạch biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Trong Kế hoạch này, thương mại xanh là nội dung quan trọng. Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quá trình để đạt mục tiêu về trung hòa các bon sẽ làm chuyển dịch lợi thế so sánh xuất khẩu từ các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động và năng lượng sang các lĩnh vực áp dụng kỹ thuật tiên tiến hơn, xanh hơn.
Cơ hội mới trong thương mại xanh với Vương quốc Anh
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội mới trong thương mại xanh với Vương quốc Anh.
Thứ nhất là triển vọng xuất khẩu các sản phẩm sắt thép sản xuất theo công nghệ phi các bon hóa. Vương quốc Anh là một trong những nước đi đầu và thúc đẩy chuyển đổi sản xuất thép theo công nghệ phi các bon hóa và các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ chương trình phi các bon hóa trong khuôn khổ hợp tác giữa Vương quốc Anh và các nước ASEAN để thúc đẩy sản xuất thép ít sử dụng năng lượng và giảm thiểu phát thải.
Thứ hai là cơ hội xuất khẩu các sản phẩm gia dụng và thiết bị sử dụng tiết kiệm điện như: tủ đá, máy giặt, bóng đèn...
Thứ ba là cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm làm từ vật liệu tự nhiên như các sản phẩm làm từ tre, nứa, sản phẩm cách nhiệt làm từ vật liệu tái chế… đang có nhu cầu sử dụng lớn trong ngành xây dựng Vương quốc Anh.
Thứ tư là cơ hội xuất khẩu các thực phẩm hữu cơ được canh tác theo hướng không dùng thuốc trừ sâu hay hóa chất mà người tiêu dùng Anh đang có nhu cầu cao trong khi doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được.
Ngược lại, doanh nghiệp Anh cũng có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam ở những lĩnh vực thế mạnh của Anh như năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời; nông nghiệp bền vững; xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa; tài chính xanh...