Thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp, xã Mường La, tỉnh Sơn La được thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Ít Ong và các xã Nặm Păm, Chiềng San, Chiềng Muôn, Pi Toong.
Những năm qua, địa phương đã tập trung huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị văn minh và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng nhiều hình thức đa dạng, sát thực tế như qua loa truyền thanh, họp thôn bản, pano, áp phích, hội thi, văn nghệ, thể thao và sinh hoạt đoàn thể.
Đặc biệt, địa phương chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số để làm “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Nhiều mô hình hay như “Thắp sáng đường quê”, “Bản không rác thải” đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đáng chú ý, bản Noong Quài đã sử dụng khoảng 150 triệu đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng cộng đồng để lắp 50 cột đèn năng lượng mặt trời, đảm bảo ánh sáng, an ninh và tiện lợi cho người dân.
Tương tự, bản Cát Lình (dân tộc Mông) đã trích 50% nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đổ bê tông đường nội bản và lắp đèn chiếu sáng, với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công.
Giai đoạn 2021 - 2025, xã huy động tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 608 tỷ đồng, xây dựng mới 109 công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, trường học, trạm y tế...; xóa 253 nhà tạm cho hộ nghèo, người có công và đối tượng chính sách. Nhiều dự án trọng điểm như nâng cấp đường tỉnh 109 (Ít Ong - Ngọc Chiến), đường Chiềng San – Chiềng Hoa hay các khu dân cư mới tại Nặm Păm, Pi Toong… đã hoàn thành và phát huy hiệu quả.
Thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, xã Mường La đẩy mạnh phát triển kinh tế theo lợi thế vùng: phát triển thương mại - dịch vụ tại trung tâm, nuôi trồng thủy sản, du lịch cộng đồng ở khu vực lòng hồ. Đồng thời hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Toàn xã hiện có hơn 2.000 ha cây ăn quả, đàn đại gia súc trên 12.400 con, khai thác 40 ha ao hồ và phát triển 659 lồng cá thương phẩm.
Hoạt động du lịch cũng đang từng bước khởi sắc, với mô hình homestay, tour trải nghiệm văn hóa dân tộc gắn với tham quan công trình thủy điện. Trong 5 năm qua, xã đã đón trên 51.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 15 tỷ đồng. Qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân
Hiện xã Mường La đã hoàn thành 10/19 tiêu chí và 38/57 chỉ tiêu nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,9%. Thời gian tới, xã đặt mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế gắn với du lịch, hình thành các vùng nguyên liệu đặc sản như: gạo nếp tan Nặm Păm, tre bát độ, xoài - mít Chiềng San, sâm Chiềng Muôn, vải chín sớm Pi Toong…
Song song với đầu tư hạ tầng đồng bộ, xây dựng các tuyến đường liên bản cứng hóa, Mường La phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2030, hướng đến một vùng quê phát triển bền vững, văn minh, giàu bản sắc.