Hay tin nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từ trần, tôi lặng người hồi lâu. Dẫu biết quy luật sinh tử là điều không ai cưỡng được, nhưng với những người từng có cơ hội làm việc và gắn bó với ông, sự ra đi ấy vẫn để lại một khoảng lặng rất khó gọi thành tên.

Khi sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng tâm sự với tôi rằng, trong đội ngũ cộng sự thân tín thời ông làm Thủ tướng, có ba người phó tướng, đại diện cho ba miền đất nước mà ông đặc biệt quý trọng: ông Trần Đức Lương, ông Phan Văn Khải và ông Nguyễn Khánh. Mỗi người một phong cách, một thế mạnh, nhưng đều là những người đã khẳng định được vai trò và trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân.

Tôi gặp Chủ tịch nước Trần Đức Lương lần đầu vào đầu năm 2000, theo lời mời của ông Nguyễn Cảnh Dinh, khi ấy là Chánh Văn phòng Chủ tịch nước. Cuộc gặp gắn liền với một vấn đề thời sự nóng bỏng: quản lý tài nguyên nước quốc gia và bảo vệ môi trường, một lĩnh vực mà tôi theo đuổi.

Mùa lũ năm 2000, một trận đại hồng thủy lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đoàn công tác khảo sát thực địa do Chủ tịch nước dẫn đầu có ông Nguyễn Cảnh Dinh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ, Thứ trưởng thường trực Bộ Giao thông và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang… Tôi đi trên một con thuyền phía sau cùng với Cục trưởng Cục Phòng chống bão lụt Nguyễn Ty Niên. Bất ngờ, thuyền của Chủ tịch nước dừng lại. Một cán bộ an ninh được cử sang đón tôi chuyển sang ngồi cạnh ông.

Hóa ra trên thuyền, mọi người đang tranh luận khá sôi nổi về dòng chảy tại kênh Hồng Ngự, người nói chảy vào, người bảo chảy ra. Chủ tịch nước liên tục đặt những câu hỏi rất cụ thể, rất khó không chỉ về thủy văn, địa hình mà còn về địa chất khu vực. Trước sự “truy vấn” đầy trí tuệ và trách nhiệm ấy, Bộ trưởng Ngọ đề cử tôi sang để cùng Chủ tịch thảo luận. Tôi trình bày chi tiết về nội hàm của bài toán thủy lực, từ điều kiện biên, điều kiện ban đầu, độ nhám, tổn thất cục bộ… đến tương quan giữa lưu lượng thượng nguồn, tác động của thuỷ triều và sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch chăm chú nghe, không ngắt lời, nhưng thỉnh thoảng gật đầu và đặt thêm câu hỏi. Cách làm việc ấy khiến tôi thực sự nể phục. Sau này, tôi nhận ra đó là phong cách của ông, không ồn ào, nhưng luôn đi đến tận cùng vấn đề.

Ong Tran Duc Luong.png
Chủ tịch nước Trần Đức Lương khảo sát trận lũ lịch sử năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tác giả bài viết cung cấp

Tối hôm đó, tại trụ sở Tỉnh ủy Kiên Giang diễn ra cuộc họp với các ngành và địa phương. Chủ tịch nước kết luận ngắn gọn nhưng đầy đủ, đưa ra các định hướng ngắn hạn và dài hạn để khắc phục hậu quả lũ lụt. Bộ trưởng Ngọ sau này có lần nói với tôi: “Ít ai biết, ông Lương có cách lắng nghe rất đặc biệt, nghe để hiểu, để nhớ, và để hành động, chứ không phải nghe cho có”.

Sau buổi họp, ông Lương gọi tôi lên đánh cờ tướng. Sáng hôm sau, vừa thấy tôi bước vào, Bộ trưởng Ngọ đã nheo mắt cười, hỏi như trêu: “Đêm qua, Trường thua mấy ván?”  Tôi cười đáp, nửa đùa nửa thật kết quả chung cuộc em lời một ván. Rồi chậm rãi nói thêm như để giữ thế quân bình, nhưng điều quan trọng là cả hai bên đều hài lòng vì sự trung thực, và tinh thần thể thao!.

Nói thật, tôi không phải kiểu “Triển Chiêu thời thế” cứ gặp lãnh đạo là ra tay mềm mại, quân cờ đi uốn lượn như múa, thua vừa phải cho đẹp lòng sếp. Tôi không khéo đến thế. Nhưng may mắn thay, người đối diện tôi hôm đó, ông Lương cũng không phải kiểu người thích được nhường. Ông chơi cờ cũng giống như cách ông làm việc: sòng phẳng, quyết liệt, không thích xu nịnh, càng không cần ai “thua cho phải phép”.

Chính cái tính cách ấy khiến tôi càng nể. Trên bàn cờ, ông tung mã quỳ, giăng bẫy hiểm hóc; trong công việc, ông cũng thường đặt ra những bài toán hóc búa nhưng là để cùng tìm lời giải, chứ không phải để thử thách ai.

Có lần, trước thực trạng người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ông không giấu được sự trăn trở, gọi điện thoại cho tôi đặt câu hỏi: "Với đặc thù đất đai chủ yếu là chua phèn, địa hình lại bằng phẳng, liệu chúng ta có thể sử dụng vải địa kỹ thuật làm lớp lót để hình thành các hồ chứa nước ngọt ở những nơi khả thi không?".

Không phải là mệnh lệnh, mà là một gợi mở nhưng mỗi câu hỏi ông nêu ra đều chất chứa một chiều sâu suy tư, buộc chúng tôi phải suy nghĩ thấu đáo. Từ những trăn trở như thế, nhiều ý tưởng đã được khơi nguồn, từng bước được cụ thể hóa thành các đề xuất kỹ thuật, góp phần hình thành hướng tiếp cận mới trong bài toán quy hoạch thủy lợi cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi còn gặp ông trong một lần dự Đại hội Thành ủy TP.HCM, cùng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cả ba chúng tôi trao đổi rất chân tình về bài toán phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Đức Lương sinh năm 1937, từng là kỹ sư địa chất, một nghề yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác, và kiên trì. Có lẽ chính xuất phát điểm ấy đã rèn cho ông phong cách làm việc rất kỹ trị, không dựa vào khẩu hiệu, không thích bề nổi, mà đi vào thực chất, đặc biệt trong các vấn đề quản lý tài nguyên, môi trường, và quy hoạch lãnh thổ.

Từng có thời gian dài giữ cương vị Phó Thủ tướng rồi Chủ tịch nước trong giai đoạn đất nước chuyển mình sâu sắc, ông để lại dấu ấn bằng sự ổn định, chừng mực, không vướng thị phi. Báo chí nước ngoài khi đưa tin về ông thường gọi là “Một nhân vật trầm lặng nhưng có ảnh hưởng trong quá trình hội nhập của Việt Nam”.

Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từng đánh giá trong một cuộc họp nội bộ: “Anh Lương là người ít nói, nhưng mỗi lời đều chắc chắn. Anh không dễ bị chi phối bởi dư luận hay cảm xúc nhất thời”. Nhiều cán bộ từng làm việc cùng ông chia sẻ rằng, Chủ tịch Lương rất trọng tri thức chuyên môn, luôn khuyến khích lắng nghe ý kiến của giới khoa học, kỹ thuật, điều không phải vị lãnh đạo nào cũng kiên trì theo đuổi trong thực tế điều hành.

Tiễn biệt ông Trần Đức Lương, vị Chủ tịch nước gắn bó với một giai đoạn trọng yếu của đất nước. Tôi không chỉ nhớ ông như một chính khách mẫu mực, mà còn nhớ một người lãnh đạo điềm đạm, sâu sắc, luôn đặt trí tuệ và trách nhiệm lên trên danh tiếng và hình thức.

Ông sống thầm lặng, làm việc tận tụy, không ồn ào, nhưng để lại nhiều giá trị bền lâu trong chính sách, trong tinh thần, và trong ký ức của những người từng đồng hành cùng ông. Ông là một mẫu hình lãnh đạo kỹ trị cần thiết trong chính trường Việt Nam hiện đại.