Trong 2 giờ, các chuyên gia vệ sinh dịch tễ đã giải đáp các thắc mắc của bạn đọc VietNamNet về phòng trị căn bệnh sốt xuất huyết, từ đó tránh được sai lầm dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.

Sốt xuất huyết (SXH) là một trong những bệnh dịch do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất. Xuất hiện ở VN từ những năm 1958, nay SXH đã thành dịch lưu hành hàng năm ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước; số mắc hàng năm từ 50-100 ngàn trường hợp, trong đó khoảng 100 người tử vong/năm.

Những năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực tuyên truyền, phun xịt thuốc, kiểm tra, giám sát, điều trị nhằm giảm số lượng ca mắc mới, tử vong và giảm gánh nặng bệnh tật do SXH. Đến năm 2015 cả nước có gần 82.000 ca mắc SXH, chỉ có 52 trường hợp tử vong.

Dù vậy nhũng năm tới SXH vẫn được cho là một trong những dịch bệnh nguy hiểm được nhấn mạnh trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về y tế, do diễn biết phức tạp trên mọi lứa tuổi và gia tăng báo động ở các thành phố lớn.

{keywords}
Nhà báo Lê Thế Vinh, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet (bìa phải) tặng hoa cho các khách mời tham gia GLTT. Ảnh: LAD

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu SXH; văcxin phòng SXH vừa được sản xuất lưu hành ở Mexico nhưng sản phẩm này vẫn đang được cân nhắc sử dụng ở Việt Nam. Trong khi, nhiều người dân ít hiểu biết về dịch bệnh SXH, dẫn đến không quan tâm phòng bệnh; khi mắc bệnh thì mua thuốc tự điều trị như với sốt thường, gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí mất mạng.

Để giúp bạn đọc đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của SXH, nhận diện chính xác triệu chứng, từ đó tránh được sai lầm trong phòng trị căn bệnh chết người này, VietNamnet tổ chức GLTT Sơ xảy thường gặp với sốt xuất huyết vào 14h ngày 30/12/2015.

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, gồm:

- Th.S Nguyễn Đức Khoa - Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

- ThS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU

Muỗi - Đường lây của sốt xuất huyết

Bùi Thị Tuyết Loan , Nữ - 28 Tuổi
Em có 2 đứa con, một 6 tuổi một 2 tuổi. Bé lớn vừa bị sốt xuất huyết, đã xuất viện về nhà nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi. Em lo cháu nhỏ sẽ bị lây. Xin hỏi bác sĩ bệnh này cơ chế lây như thế nào, em phải làm gì để phòng ngừa bệnh cho bé nhỏ. Con lớn của em bị bệnh rồi liệu có tái phát nữa hay không? Xin cám ơn.

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Bệnh SXH lây truyền qua muỗi vằn đốt, loại muỗi này thường hoạt động mạnh trong những điều kiện ánh sáng yếu như chiều tối, sáng sớm hoặc những căn phòng thiếu ánh sáng.

Đề phòng ngừa bệnh lưu ý tránh muỗi đốt bằng các biện pháp: mặc quần áo dài, dùng các thuốc xua đuổi muỗi, diệt muỗi bằng các loại đèn hoặc vợt muỗi. Đảm bảo vệ sinh môi trường để loại bỏ các vùng nước đọng là nơi sinh sống của cung quăng. Bệnh SXH có 4 type virus khác nhau. Với cháu lớn đã từng bị SXH với 1 type virus vẫn có thể bị nhiễm 3 type virus còn lại và mắc bệnh SXH những lần sau.

{keywords}
Toàn cảnh buổi giao lưu. Ảnh: LAD
Mai Linh , Nữ - 24 Tuổi
Không có bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết. Tôi tưởng bọ gậy chỉ sinh trưởng ở những nơi ao tù nước đọng. Như vậy vùng nông thôn mới là điểm dịch chính của sốt xuất huyết chứ mà sao Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác vẫn có nhiều ổ dịch sốt xuất huyết vậy?

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Như đã nói, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống ở trong nhà, đậu trên rèm vải, quần áo và đẻ trứng ở dụng cụ chứa nước sạch như bể nước, chum, vại, lu, khạp, bình hoa, bình bông, khay nước thải của điều hòa, tủ lạnh, bát nước chống kiến ở chân chạn, ở các dụng cụ phế thải như mảnh chum vỡ, trong chai lọ, lon, lốp xe, vỏ dừa... hoặc trong các hốc nước tự nhiên như hốc cây, bẹ lá mà hiếm khi ở các bụi rậm, các ao tù, cống rãnh. Vì vậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Tại Hà Nội, TP. HCM và các thành phố có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao có nhiều khu vực nhà trọ, lán trại, công trường xây dựng là nơi phát sinh nhiều môi trường để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết mà chưa được quan tâm xử lý triệt để nên trong thời gian qua tại các khu vực này đã bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết.

Mai Phương , Nữ - 43 Tuổi
Làm thế nào tránh lây sốt xuất huyết khi chăm người bị bệnh này. Nhà tôi đang cách ly hoàn toàn người bị sốt xuất huyết trong giường buông màn, biện pháp này có an toàn hay không? Xin cảm ơn BS

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Để tránh lây SXH cần tránh nguy cơ muỗi đốt. Nhà bạn cách ly người bị SXH trong màn chỉ hạn chế nguy cơ muỗi truyền bệnh từ người đó sang người khác nhưng trong 1 vùng có dịch SXH rất nhiều muỗi ngoài môi trường đã mang virus nên có thể vẫn truyền bệnh cho mọi người trong gia đình bạn. Biện pháp hieeujj quả nhất trong phòng bệnh SXH là diệt muỗi, diệt cung quảng ngoài môi trường.

Thu Hồng , Nữ - 19 Tuổi
Người yêu cháu mới bị sốt được 3 ngày. Đến ngày thứ 4 mới phát hiện là bị sốt xuất huyết. Trong mấy ngày bị sốt, cháu vẫn hôn anh ấy bình thường mà bạn cháu lại dọa sẽ lây sốt xuất huyết. Xin hỏi BS sốt xuất huyết có lây qua việc hôn không ạ? Cảm ơn BS.

ThS. Nguyễn Trung Cấp: SXH chỉ lây qua đường muỗi đốt, hoàn toàn không lây qua tiếp xúc trực tiếp như chuyện trò, bắt tay, ôm hôn...Tuy nhiên trong giai đoạn chăm sóc người thân bị SXH cần lưu y tránh nguy cơ bị muỗi đốt có thể làm truyền virus từ người bệnh sang người lành.

{keywords}

ThS. Nguyễn Trung Cấp đang giải đáp các thắc mắc của bạn đọc VietNamNet. Ảnh: LAD

Nhiều biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết

Huỳnh Đông , Nam - 34 Tuổi
Xin BS cho biết những biến chứng thường gặp của bệnh sốt xuất huyết. Làm thế nào để người bệnh có thể phòng ngừa những biến chứng này? Xin cảm ơn

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Các biến chứng của SXH thường xảy ra vào ngày thứ 4 đến 7 của bệnh. Hai biến chứng thường gặp nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu và sốc; biến chứng hạ tiêu cầu gây chảy máu. Người bệnh cần lưu ý đến khám và xét nghiệm máu trong giai đoạn này để phát hiện các biến chứng trên.

Nếu có các dấu hiệu cảnh báo nặng như mệt lả, buồn nôn hoặc nôn kéo dài, đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu dưới da hoặc chảy máu cam, chân răng hay kinh nguyệt kéo dài; với trẻ nhỏ có thể có dấu hiệu li bì, lờ đờ, bỏ bú cần đưa đến bệnh viện ngay.

Trọng Đạt , Nam - 44 Tuổi
Tôi nghe nói, các biến chứng nặng của sốt xuất huyết có thể gây tử vong. Vậy làm sao phân biệt được sốt xuất huyết có biến chứng hay không? Khi nào thì cần khẩn trương đưa ngay người bệnh vào viện? Xin cảm ơn

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Các biến chứng nặng của SXH như tình trạng thoát dịch, cô đặc máu và sốc hoặc biến chứng hạ tiểu cầu gây chảy máu nặng có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng này thường xuất hiện vào ngày 4 đến ngày thứ 7 của bệnh, đây là giai đoạn bạn cần lưu ý đến khám bệnh để phát hiện sớm nguy cơ biến chứng. Khi người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo nặng như mệt lả, nôn hoặc buồn nôn kéo dài, đau bụng, khó thở, đau tức vùng gan hay mệt lả, li bì, bỏ bú ở trẻ nhỏ hay các dấu hiệu chảy máu dưới da, chảy máu cam, chân răng, kinh nguyêt bất thường, kéo dài cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Phạm Thuý Uyên , Nữ - 28 Tuổi

Bác sĩ có thể cho em biết, lúc cháu của em đang trị bệnh sốt xuất huyết, em thấy bụng của bé rất cứng và hơi to, khi không truyền dịch nữa thì bé có hiện tượng nôn ói và có máu bầm. Vì sao lại bị vậy. Mong bác sĩ tư vấn dùm. Cảm ơn bác sĩ

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Các biểu hiện bạn mô tả là những dấu hiệu nặng của bệnh SXH.Bụng của bé cứng và to có thể do tình trạng thoát dịch gây tràn dịch trong ổ bụng, nôn cũng là một triệu chứng cảnh báo tình trạng sốc, và nôn ra máu có thể do tình trạng hạ thấp tiểu cầu của bệnh nhân. Những trường hợp có biểu hiện nặng như vậy cần được theo dõi sát các diễn biến và xử lý kịp thời tại bệnh viện.

Nguyễn Mai Anh , Nữ - 30 Tuổi
Cho em hỏi bệnh sốt xuất huyết có miễn dịch được không ạ? Một số người nói có, những cũng có người nói không. Từ sốt xuất huyết chuyển sang nhiễm trùng máu thì có nguy hiểm gì không?

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Bệnh SXH có 4 type virus khác nhau. Khi 1 người bị nhiễm 1 type virus sẽ có miễn dịch suốt đời với type đó nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm 3 type virus còn lại và mắc bệnh SXH những lần sau.

Những người bị SXH có giai đoạn bạch cầu máu hạ thấp và dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng trong đó có nhiễm trùng máu rất nguy hiểm vì có nguy cơ tử vong và biến chứng cao.

Nguyễn Văn Hiếu , Nam - 31 Tuổi
Chào bác sỹ! Tôi nghe mọi người nói sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm hơn với trẻ em. Điều đó có đúng không? Mong bác sỹ tư vấn cho tôi! Tôi cảm ơn bác sỹ!

ThS. Nguyễn Trung Cấp: SXH có thể gây nguy hiểm cho cả trẻ em và người lớn tuy nhiên với trẻ nhỏ dễ xảy ra tình trạng sốc hơn, hơn nữa với trẻ nhỏ có thể chưa kể được các dấu hiệu nặng nên nếu không lưu tâm theo dõi sát cha mẹ bệnh nhân có thể bỏ qua các dấu hiệu nặng dẫn đến việc đưa đến bệnh viện muộn, nguy hiểm cho trẻ.

Hồng Nhung , Nữ - 33 Tuổi
Tôi đang mang bầu tháng thứ 8. Mấy hôm nay tôi bị đau họng, sổ mũi, hắt xì, giống như dấu hiệu của cảm cúm. Tuy nhiên, tôi vừa phát hiện một vết muỗi đốt rất to ở cánh tay. Liệu tôi có nguy cơ bị sốt xuất huyết không? Tôi rất lo lắng vì nghe nói sốt xuất huyết rất có hại cho bà bầu. Xin BS tư vấn giúp. Cảm ơn BS.

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Muỗi truyền bệnh SXH là muỗi vằn, khi đốt thường có vết mẩn ngứa nhỏ, tuy nhiên với 1 số người cơ địa phản ứng mạnh thì có thể vết mẩn ngứa khá to. SXH nguy hiểm với tất cả mọi người, nhưng ở người có thai những tháng cuối nguy cơ sẽ cao hơn vì nếu cuộc đẻ hoặc mổ xảy ra trong giai đoạn bị hạ tiểu cầu sẽ rất khó khăn. Trong vụ dịch SXH hoặc khi xung quanh có nhiều người bị SXH nếu bạn bị sốt nên đến bệnh viện khám để xác định

LÊ TÍNH , Nam - 34 Tuổi
Khi trẻ em bị bệnh sốt xuất huyết không ăn uống gì được do nôn, chúng ta nên dùng thuốc gì? làm thế nào hạ sốt nhanh cho trẻ?

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Trong trường hợp trẻ SXH có nôn nhiều, có dấu hiệu đe doạ diễn biến nặng bạn cần đưa đến bệnh viện để được thầy thuốc chỉ định truyền dịch phù hợp, nếu trẻ có sốt cao ngoài việc dùng thuốc hạ sốt chúng ta có thể dùng biện pháp chườm mát, cởi bỏ bớt quần áo để hạ sốt cho trẻ.

Kiều Anh , Nữ - 25 Tuổi
Tôi nghe nói trẻ em bị sốt xuất huyết dễ gặp nguy hiểm hơn người lớn. Vậy có cách chăm sóc nào tăng sức đề kháng cho trẻ hay không, xin BS tư vấn giúp

ThS. Nguyễn Trung Cấp: SXH có thể nguy hiểm cho cả trẻ em và người lớn nhưng với trẻ nhỏ thường có nguy cơ sốc cao hơn. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là diệt muỗi, cung quăng, tránh nguy cơ bị muỗi đốt. Việc táng sức đề kháng cho trẻ chỉ giúp trẻ có sức chống đỡ bệnh tật tốt hơn chứ không giúp trẻ tránh được nguy cơ mắc bệnh.

Quyết Thắng , Nam - 34 Tuổi
Người bệnh sốt xuất huyết có cần kiêng khem gì hay không thưa BS. Giảm sốt có phải là gần hết bệnh rồi không? Khi nào được coi là khỏi hoàn toàn và không thể lây bệnh sang người khác nữa. Xin cảm ơn BS

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Giai đoạn đầu của bệnh bệnh nhân sốt cao cần chú ý dùng hạ sốt chườm mát khi sốt, với trẻ nhỏ nên cho mặc quần áo mỏng, thoáng để tránh nguy cơ sốt quá cao. Người bệnh SXH trong giai đoạn hạ tiểu cầu có nguy cơ chảy máu cao nên cần tránh các nguy cơ gây chấn thương, vết thương, lưu ý ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu.

Giai đoạn bệnh nhân giảm sốt (ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh) là giai đoạn dễ xảy ra các biến chứng nên cần đặc biệt lưu ý thận trọng, từ ngày thứ 8 trở đi sang giai đoạn hồi phục và bệnh nhân sẽ khỏi bệnh, hết nguy cơ lây bệnh sang người khác.

Test nhanh phát hiện sốt xuất huyết

Nguyễn Tiến Mỹ , Nam - 33 Tuổi

Xin hỏi Ths. Nguyễn Đức Khoa: Nếu con tôi bị sốt , tôi muốn xét nghiệm gì để biết sớm nhất và chính xác nhất có bị sốt xuất huyết không?

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Có nhiều biện pháp để xét nghiệm sốt xuất huyết: làm test nhanh, xét nghiệm MAC ELISA, xét nghiệm sinh học phân tử, xét nghiệm nuôi cấy phân lập. Để xét nghiệm nhanh và chính xác nhất là xét nghiệm sinh học phân tử, tuy nhiên xét nghiệm này đắt tiền và chỉ làm được ở các cơ sở y tế lớn và không giúp nhiều cho quyết định điều trị của các bác sĩ lâm sàng. Vì vậy làm xét nghiệm gì chị nên thực hiện theo sự tư vấn của cán bộ y tế.

{keywords}

Th.S Nguyễn Đức Khoa giao lưu cùng bạn đọc VietNamNet. Ảnh: LAD

Anh Tú , Nam - 33 Tuổi
Xin chào bác sĩ. Tôi nghe nói tới các xét nghiệm phát hiện sốt xuất huyết. Vậy xin hỏi các xét nghiệm này có thể thực hiện ở các tuyến y tế nào? Bệnh nhân có thể tự yêu cầu làm xét nghiệm này không? Và chi phí cho xét nghiệm này là bao nhiêu? Xin cảm ơn bác sĩ.

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Có nhiều xét nghiệm chẩn đoán SXH: xét nghiệm NS1 và PCR phát hiện được virus ngay từ những ngày đầu của bệnh hoặc xét nghiệm huyết thanh giúp chẩn đoán trong giai đoạn sau của bệnh nhưng xét nghiệm này không giúp ích trong việc hướng dẫn điều trị và cũng chỉ thực hiện được ở những cơ sở y tế lớn. Xét nghiệm hữu ích nhất trong chẩn đoán và điều trị SXH là xét nghiệm công thức máu có thể xác định được tình trạng cô đặc máu và hạ tiểu cầu của bệnh nhân giúp ích cho việc chỉ định truyền dịch, truyền máu của thầy thuốc, đây là xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền và có thể thực hiện ở hầu hết các cơ sở y tế.

Hoàng Lan , Nữ - 32 Tuổi
Xin BS tư vấn giúp cách phân biệt sốt thường và sốt xuất huyết ạ? Trong mùa cao điểm của sốt xuất huyết, nếu con tôi bị sốt thì có nên đưa ngay đến viện để xét nghiệm, xin BS tư vấn giúp! Cảm ơn BS.

ThS. Nguyễn Trung Cấp: SXH trong 3-4 ngày đầu tiên thường sốt cao, các triệu chứng không khác so với sốt virus thông thường và có thể điều trị theo đơn tại nhà. Trên lâm sàng chỉ có thể phân biệt sốt virus so với SXH ở giai đoạn sau. Có một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán sớm virus như xét nghiệm NS1, trong mùa cao điểm của SXH nếu con bạn bị sốt nên đưa cháu đến bệnh viện để được khám, tư vấn việc chăm sóc điều trị hoặc chỉ định nhập viện kịp thời nếu trê có nguy cơ diễn biến nặng.

Quách Ngọc Như Quỳnh , Nữ - 26 Tuổi
Chào Bs,Xin Bs cho biết các triệu chứng phát hiện sớm bé bị sốt xuất huyết? thời gian bao lâu (tính từ khi bắt đầu sốt) thì xét nghiệm máu để xác định sốt xuất huyết?

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Trong 3,4 ngày đầu của bệnh SXH thường các triệu chứng không khác nhiều so với các sốt virus khác nên giai đoạn này thường chỉ khẳng định SXH bằng các xét nghiệm. Bệnh SXH chỉ có triệu chứng khác biệt như tình trạng thoát dịch, chảy máu trong những giai đoạn sau.

Có khả nhiều các xét nghiệm để chẩn đoán SXH: xét nghiệm NS1 hoặc PCR có thể phát hiện virus dengue trong máu bệnh nhân ở giai đoạn đầu, nhưng giai đoạn này việc điều trị không khác so với sốt virus thông thường nên các xét nghiệm này chỉ có giá trị phát hiện chỉ điểm dịch hay khẳng định bệnh hoặc trong các nghiên cứu khoa học.

Sang giai đoạn sau, xét nghiệm công thức máu có thể xác định tình trạng cô đặc máu hoặc giảm tiểu cầu của bệnh nhân và giúp việc chỉ định điều trị của thầy thuốc . Đây là xét nghiệm đơn giản có thể thực hiện ở mọi tuyến y tế.

Xét nghiệm thứ 3 giúp chẩn đoán là xét nghiệm huyết thanh. Xét nghiệm này thường chỉ dương tính sau ngày thứ 7 -8 của bệnh là giai đoạn bệnh nhân đã hồi phục nên chỉ có giá trị hồi cứu.

Đỗ Việt Chinh , Nữ - 25 Tuổi
Chào bác sĩ! Xin cho tôi hỏi về triệu chứng của sốt virus và sốt xuất huyết khác nhau như thế nào ? Để điều trị 2 loại bệnh này ở nhà có thể uống thuốc hạ sốt và truyền nước được không ? Nếu không thì có thể dùng thuốc gì hay điều trị thế nào ở nhà ? Xin cảm ơn bác sĩ.

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Bệnh SXH trong những ngày đầu thường có biểu hiện không khác gì nhiều so với sốt virus khác và việc điều trị cũng tương tự. Tuy nhiên sang giai đoạn sau, khi bệnh nhân đã đỡ sốt có thể xuất hiện các diễn biến nặng như tình trạng thoát huyết tương gây cô đặc máu và có thể gây sốc hoặc tình trạng hạ tiểu cầu gây chảy máu. Trong giai đoạn này nếu bệnh nhân có các biểu hiện nặng cần phải được theo dõi sát và điều trị tại bệnh viện.

Thanh Hà , Nữ - 28 Tuổi
Sốt xuất huyết thường kéo dài bao nhiêu ngày, ngày nào là ngày nguy hiểm nhất? Người bệnh có thể tự điều trị tại nhà được không? Cách thức chăm sóc người sốt xuất huyết như thế nào? Xin chương trình tư vấn giúp. Xin cảm ơn

ThS. Nguyễn Trung Cấp: SXH thường có 4 giai đoạn. Sau khi bị muỗi đốt, giai đoạn ủ bệnh trung bình 3-4 ngày (có thể đến 15 ngày). Giai đoạn nhiễm virus huyết kéo dài 3-4 ngày thường bệnh nhân có sốt cao. Giai đoạn tăng tính thấm thành mạch và giảm tiểu cầu thường kéo dài 2-4 ngày, đây là giai đoạn nguy hiểm nhất vì người bệnh đã đỡ sốt nhưng có thể có các biến chứng như thoát dịch, cô đặc máu gây sốc hoặc hạ tiểu cầu thấp gây chảy máu nghiêm trọng. Thường bệnh nhân từ ngày thứ 7, thứ 8 trở đi sẽ thoát khỏi giai đoạn 3 và sang giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn 2 người bệnh có thể tự điều trị tại nhà theo đơn bằng các thuốc hạ sốt thông thường. Giai đoạn 3 nếu có nguy cơ biến chứng nặng người bệnh cần nhập viện để được điều trị phù hợp.

{keywords}

ThS. Nguyễn Trung Cấp tại tòa soạn báo VietNamNet. Ảnh: LAD

Mạnh Cường , Nam - 33 Tuổi
Xin BS cho biết thuốc nào được dùng để điều trị sốt xuất huyết. Khi bị sốt xuất huyết mà không biết, tôi uống thuốc hạ sốt thông thường thì có ảnh hưởng gì không? Xin cảm ơn

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Trong giai đoạn đầu của bệnh SXH thường có tình trạng sốt cao, người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường. Tuy nhiên có 1 số thuốc hạ sốt cần tránh với bệnh nhân SXH như aspirin, ibuprofen vì làm tăng nguy cơ chảy máu của bệnh nhân. Sang giai đoạn có tăng thấm thành mạch, cô đặc máu và hạ tiếu cầu thì việc truyền dịch, truyên máu và truyền khối tiểu cầu phải theo chỉ định của bác sĩ.

Trần văn Tường , Nam - 52 Tuổi
Nếu gặp phải con mình bị sốt suất huyết , thì cho uống nước dừa liên tục được không; độ già của dừa như thế nào uống được?

ThS. Nguyễn Trung Cấp: Trong giai đoạn bệnh nhân sốt cao cần lưu ý bổ sung nước và điện giải cho bệnh nhân. Ngoài dung dịch oresol có thể sử dụng nước dừa cho bệnh nhân uống. 

Giai đoạn có tăng thâm thành mạch và thoát dịch (ngày thứ 4 đến ngày thứ 6-7) có thể có tình trạng cô đặc máu cần tăng cường bù dịch, việc sử dụng dịch uống hay truyền tùy thuộc chỉ định của bác sĩ. 

Lưu ý bệnh SXH sang giai đoạn hồi phục có tình trạng tái hấp thu lại các huyết tương đã thoát ra ngoài lòng mạch nên có thể có tình trạng quá tải dịch và cần phải hạn chế dịch uống hoặc truyền.

nguyễn ngọc thuật , Nam - 23 Tuổi
Chào bác sĩ! có trường hợp là đi xét nghiệm máu, bác sĩ tư vấn là trường hợp SXH nhẹ, nên cho về nhà uống thuốc. thấy bớt bớt, nhưng có lúc lại bị sốt lại. bac sĩ có thể tư vấn kĩ hơn về trường hợp này không ạ? cách giaỉ quyết triệt để thì làm sao ạ? cảm ơn bác sĩ.

ThS. Nguyễn Trung Cấp: SXH trong giai đoạn đầu của bệnh thường bác sĩ cho chỉ định dùng thuốc hạ sốt theo đơn tại nhà. Sang giai đoạn 2 khi đã lui sốt, bác sĩ sẽ khám, xét nghiệm để xem có nguy cơ diễn biến nặng hay không, tuy nhiên 1 số bệnh nhân còn có thể có sốt dai dẳng trong nhiều ngày sau. Bạn cần đến khám lại để bác sĩ phát hiện có thêm tình trạng bội nhiễm vi khuẩn hay không.

Phòng, chặn sốt xuất huyết vô cùng đơn giản

Hữu Thắng , Nam - 26 Tuổi
Tôi nghe nói sốt xuất huyết cũng bùng phát theo mùa. Vậy khoảng thời gian nào là đỉnh điểm của dịch. Bộ Y tế có những biện pháp gì để chống dịch sốt xuất huyết lây lan? Xin cảm ơn

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền. Bệnh thường tăng cao vào mùa mưa, mùa muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Tại Việt Nam dịch thường bùng phát từ tháng 6, đạt đỉnh dịch khoảng tháng 10, tháng 11, tùy từng vùng miền. Tuy nhiên hiện nay do biến đổi khí hậu, biến đổi thời tiết, mùa mưa có thể kéo dài hơn nên dịch bệnh vẫn có nguy cơ phát triển quanh năm đặc biệt khu vực miền Trung và miền Nam.

Sốt xuất huyết hiện nay tại Việt Nam chưa có thuốc và vắc-xin phòng bệnh. Biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Hàng năm Bộ Y tế ban hành kế hoạch phòng chống dịch trong đó phòng chống sốt xuất huyết và kế hoạch hoạt động phòng chống sốt xuất huyết chi tiết của Dự án Phòng chống Sốt xuất huyết Quốc gia ngay từ đầu năm. 

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch hoạt động chi tiết của địa phương mình. Tổ chức các hội nghị triển khai kế hoạch cho các địa phương, phối hợp với các bộ ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội triển khai các hoạt động phòng chống Sốt xuất huyết trong cộng đồng. Thường xuyên cung cấp thông tin, các khuyến cáo phòng chống cho cộng đồng, tổ chức các hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống. 

Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố để có chỉ đạo phòng chống dịch kịp thời. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về hướng dẫn, giám sát phòng chống, hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế. Cung cấp hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch cho các địa phương, dự trữ thuốc, dịch truyền tại các cơ sở điều trị để sẵn sàng phòng chống dịch và thu dung, điều trị bệnh nhân nhằm giảm mức thấp nhất số mắc và số tử vong do sốt xuất huyết.

Với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự tham gia của người dân và sự nỗ lực của ngành y tế, số mắc và tử vong do sốt xuất huyết đã giảm nhiều trong giai đoạn gần đây. Năm 2014 là một trong những năm có số mắc và tử vong do sốt xuất huyết thấp nhất trong vòng 30 năm qua. 

Tuy nhiên do diễn biến thời tiết bất thường, do biến đổi khí hậu, do tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng di biến động dân diễn ra phổ biến nên dịch bệnh sốt xuất huyết luôn thường trực nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tích cực chủ động các biện pháp phòng chống.

{keywords}

Chân dung Th.S Nguyễn Đức Khoa. Ảnh: LAD

Nguyễn Thu Hà , Nữ - 35 Tuổi
Khu vực nhà tôi khá khô ráo, tuy đông người nhưng mọi người đều có ý thức rất giữ gìn vệ sinh chung, diệt côn trùng bằng cách chung nhau phun thuốc, phát quang cây cối... Xong vẫn có người mắc sốt xuất huyết và lây lan. Vậy xin hỏi muỗi gây bệnh ẩn nấp ở đâu và cách gì hữu hiệu để phòng tránh được? Cảm ơn bác sỹ

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống ở trong nhà, đậu trên rèm vải, quần áo và đẻ trứng ở dụng cụ chứa nước sạch như bể nước, chum, vại, lu, khạp, bình hoa, bình bông, khay nước thải của điều hòa, tủ lạnh, bát nước chống kiến ở chân chạn, ở các dụng cụ phế thải như mảnh chum vỡ, trong chai lọ, lon, lốp xe, vỏ dừa... hoặc trong các hốc nước tự nhiên như hốc cây, bẹ lá mà hiếm khi ở các bụi rậm, các ao tù, cống rãnh. 

Bởi vậy nên khu vực nhà bạn khá khô ráo và mọi người cũng đã có ý thức diệt côn trùng bằng cách phun thuốc, phát quang cây cối nhưng có thể mọi người chưa chú ý đến nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ẩn trú và sinh sản nên việc diệt trừ lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi chưa hiệu quả. Ngoài ra, bạn vẫn có thể lây bệnh sốt xuất huyết do bị muỗi truyền bệnh đốt tại các khu vực khác mà bạn từng đến.

Như đã nói ở trên, hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh tại VN. Nên biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để chủ động phòng chống bạn cần:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Thường xuyên thay nước bình hoa, bình bông, bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

6. Khi bị sốt, có dấu hiệu sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguyễn Thùy Trâm , Nữ - 45 Tuổi
Cơ quan tôi có hơn 200 người, cách đây 2 năm có người trong cơ quan bị sốt xuất huyết sau đó lây ra toàn cơ quan. Nhưng phải đến khi gần hết người trong văn phòng đều bị sốt xuất huyết mới thấy văn phòng được phun thuốc diệt muỗi và vệ sinh dịch tễ. Xin hỏi, khi phát hiện có người bị sốt xuất huyết và có nguy cơ lây lan thành một ổ dịch nhỏ, người dân có thể liên hệ tới đâu, với ai để nhờ sự trợ giúp? Xin cảm ơn.

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Chào chị Trâm. Theo số liệu giám sát của Bộ Y tế trong 5 năm trở lại đây trên cả nước không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết nào có trên 100 người mắc do sốt xuất huyết không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà chỉ truyền bệnh từ người này sang người khác qua vật chủ trung gian là muối vằn nên tốc độ lây lan thường không cao. 

Vì vậy, theo thông tin bạn nói cơ quan bạn có 200 người mắc có thể chưa được chính xác. Bộ Y tế quy định mọi ổ dịch sốt xuất huyết (là một khu vực (tổ dân phố, thôn, ấp...) có 1 trường hợp sốt xuất huyết xác định bởi phòng thí nghiệm hoặc có từ 2 trường hợp sốt xuất huyết lâm sàng và có muỗi truyền bệnh) đều được điều tra, xác minh và xử lý trong vòng 48 giờ kể từ khi phát hiện nên khi bạn phát hiện có người bị sốt xuất huyết và có nguy cơ lây lan thành ổ dịch cần báo cáo với chính quyền dịa phương hoặc trạm y tế gần nhất để xác minh, xử lý kịp thời, tránh lây lan.

Mai Lan , Nữ - 43 Tuổi
Tôi bị dị ứng hóa chất diệt muỗi, lần nào phun là cũng ngứa râm ran cả người, gãi còn hơn gãi ghẻ nên rất sợ phun hóa chất. Xin hỏi có loại hóa chất nào lành hơn, hoặc cách đuổi muỗi tự nhiên để không phải phun thuốc diệt muỗi không?

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Hóa chất hiện nay ngành y tế đang sử dụng nằm trong danh mục hóa chất được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng an toàn, hiện đang được sử dụng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời hóa chất này cũng đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế khảo nghiệm về tính hiệu quả và tính an toàn trước khi được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. 

Tuy nhiên trong thời gian phun hóa chất, ngành y tế cũng hướng dẫn người dân cần di chuyển người, gia súc, gia cầm ra khỏi khu vực phun, dọn dẹp, đậy kín thực phẩm, thức ăn, nước uống cũng như dụng cụ chế biến để không bị ảnh hưởng bởi hóa chất diệt muỗi, khi phun thì đóng cửa sổ và sau khi phun thì đóng cửa chính để muỗi không bay ra ngoài, chỉ nên quay lại nhà sau 60 phút kể từ khi phun hóa chất để giảm thiểu sự ảnh hưởng của hóa chất.

Có 1 vài người có cơ địa rất nhạy cảm thì có thể có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi nhẹ. Nếu bạn bị dị ứng mạnh với hóa chất diệt muỗi thì trong thời gian phun hóa chất bạn cần tránh xa nơi phun và chỉ quay lại sau ít nhất 1h hoặc lâu hơn. Ngoài ra bạn có thể áp nhiều biện pháp diệt muỗi, phòng muỗi đốt thông thường khác như dùng vợt muỗi, tinh dầu hoặc hương xua muỗi, kem xua muỗi, ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày...

Thanh Phong , Nam - 43 Tuổi
Tôi đi chăm người ốm trong bệnh viện, thấy bệnh nhân SXH sợ lắm, chỉ sợ lây vì thấy họ sốt cao, người đau ê ẩm, mỏi mệt không ăn, không uống được. Xin hỏi, SXH lây truyền qua những con đường nào và phòng ngừa như thế nào?

ThS. Nguyễn Trung Cấp: SXH lây truyền qua muỗi truyền. Bệnh này không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp khi chăm sóc bệnh nhân tuy nhiên bạn đi chăm sóc người bệnh tại bệnh viện có người bệnh SXH bạn cần lưu ý tránh bị muỗi đốt có thể làm truyền virus từ người bệnh sang người lành.

Đối với SXH cách phòng ngừa tốt nhất là tiêu diệt muỗi và cung quăng bằng các biện pháp loại bỏ các vũng nước đọng là nơi sinh sống của cung quăng, dùng các thuốc xua đuổi hoặc diệt muỗi, và tránh để muỗi đốt.

Thu Hiền , Nữ - 61 Tuổi
Nhà tôi mới thuê người về phun thuốc diệt muỗi. Như vậy có phòng được bệnh sốt xuất huyết hay không? Xin cảm ơn

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền nên biện pháp phòng bệnh đầu tiên là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy, thứ hai là phòng muỗi đốt. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không đậu trên tường mà chỉ đậu trên rèm vải, quần áo, có thể bay xa khoảng 200m và theo thang máy lên tới tất cả các tầng của nhà chung cư.

Muỗi thường đốt người vào những lúc trời chập choạng như sáng sớm hay chiều tối nên việc phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết khác với phun hóa chất diệt muỗi khác. Đó là: không phun hóa chất tồn lưu vào tường mà cần phun không gian với các hạt hóa chất cực nhỏ lơ lửng trong không trung bằng máy phun chuyên dụng ULV để diệt khi muỗi bay ra đốt người. Và cần phun hóa chất cho 100% các hộ gia đình trong khu vực, tại mỗi hộ gia đình cần phun đủ tất cả các tầng và các phòng.

Tuy nhiên biện pháp phun hóa chất chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi trưởng thành trong vài ngày nên cần đồng thời triển khai việc diệt lăng quăng, bọ gậy, loại trừ môi trường muỗi đẻ trừng thì mới đạt hiệu quả diệt muỗi.

Bạn không nói rõ đơn vị thuê phun thuốc là của ngành y tế hay của cơ sở dịch vụ nên chúng tôi chưa xác định việc phun hóa chất đó có đảm bảo được thực hiện đúng kĩ thuật hay không đồng thời, nếu chỉ phun hóa chất riêng nhà bạn mà những nhà xung quanh không phun thì muỗi vẫn có thể xâm nhập vào nhà bạn sau vài ngày.

Hạnh Thúy , Nữ - 29 Tuổi
Đã có vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết? Vậy Việt Nam có quan tâm việc sử dụng rộng rãi loại vắc xin này hay không? Nếu có thì lộ trình triển khai sẽ như thế nào?

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Vắc xin phòng sốt xuất huyết do Công ty Sanofi Pasteur sản xuất cho người trên 9 tuổi được thử nghiệm tại châu Phi đạt hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết cao và đã được 3 quốc gia cấp phép lưu hành: Mexico, Philippine và Brazil tuy nhiên chưa có quốc gia nào sử dụng. 

Vắc xin phòng sốt xuất huyết do Công ty Sanofi Pasteur sản xuất cho trẻ nhỏ đã được triển khai thử nghiệm tại VN từ năm 2011 và sẽ kết thúc đánh giá theo dõi vào năm 2017. Kết quả đánh giá đến năm 2014 cho thấy vắc xin có khả năng phòng bệnh gần 60%. Bộ Y tế đang theo dõi chặt việc sử dụng cũng như hiệu quả và độ an toàn của vắc xin tại các nước khác để có kế hoạch phù hợp trong thời gian tới.

Công Danh , Nam - 25 Tuổi
Có biện pháp đơn giản mà hữu hiệu nào phòng ngừa sốt xuất huyết hay không? Nhà tôi thường xuyên sử dụng tinh dầu đuổi muỗi của Nhật và thấy hầu như không có muỗi vào nhà. Điều này có giúp giảm nguy cơ bị sốt xuất huyết trong mùa dịch hay không? Cảm ơn

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Nhà bạn sử dụng tinh dầu đuổi muỗi thì mới giải quyết phần ngọn đó là xua muỗi ra khỏi nhà bạn mà không loại trừ được tình trạng sinh sôi và phát triển của muỗi tại khu vực ngoài nhà bạn và các nhà hàng xóm. Khi hết dùng tinh dầu muỗi sẽ lại quay lại nhà bạn giống như việc bạn dùng điều hòa chỉ mát trong phòng bạn bật điều hòa, còn khi bạn tắt và mở cửa không khí nóng từ xung quanh sẽ tràn vào nhà.

Mỹ Như , Nữ - 30 Tuổi
Hàng năm, tôi vẫn thấy báo chí đưa tin ra rả về dịch sốt xuất huyết. Tại sao biết trước nó diễn ra mà vẫn không phòng được dịch, do ý thức người dân quá kém hay do đâu?

Th.S Nguyễn Đức Khoa: Như đã trả lời bạn đọc trước, hàng năm Bộ Y tế và ngành y tế các dịa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, tuy nhiên muỗi truyền sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển trong các hộ gia đình, tại nhiều dụng cụ chứa nước lớn, vừa, nhỏ và các vật phế thải.

Ngoài ra, muỗi truyền sốt xuất huyết còn phát triển tại các ổ đọng nước ở các công trường xây dựng và môi trường công cộng nên việc phòng chống sốt xuất huyết chỉ đạt hiệu quả khi có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và sự tham gia tích cực của từng người dân, từng hộ gia đình.

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến các khách mời.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet