Đó là một sáng chế mới của Viện Khí tượng thuỷ văn và Môi trường.
Để tìm hiểu về thiết bị này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Viết Hân, Phó trưởng phòng Nghiên cứu Thí nghiệm Công nghệ Đo đạc Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Viện Khí tượng thuỷ văn và Môi trường, tác giả của thiết bị. TS Hân cho biết: “Thiết bị này được “đặt tên” là VH-022R, đã lắp đặt thí điểm từ tháng 3/2007, đến nay sau hơn 15 tháng vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo các thông số thiết kế. Hiện VH-022R đã có ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Hà Tĩnh, Ninh Thuận dùng cho việc đo mưa và cảnh báo lũ quét.
Lũ quét là hiện tượng thiên tai bất ngờ và gây tác hại rất lớn, nhưng từ trước đến nay, công tác dự báo kiểm soát của chúng ta đang ở mức độ nào, thưa ông?
Việc kiểm soát lượng mưa có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiệp vụ của ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV), nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, quy hoạch và phát triển của hầu hết các ngành kinh tế quốc dân cũng như an ninh quốc phòng. Cường độ mưa quá lớn là nguyên nhân chính của các loại hình thiên tai như lũ lụt, lũ quét. Mạng lưới đo mưa của ngành KTTV có số lượng khá lớn, được tổ chức chặt chẽ, nhưng hầu hết thiết bị còn lạc hậu và chưa tự động hóa, do đó rất khó dự báo khả năng lũ quét xảy ra trong thời gian ngắn.
Vậy đây có phải là động lực để thiết bị cảnh báo lũ quét ra đời?
Có thể nói như vậy. Bước đột phá đầu tiên, năm 2003 chúng tôi bảo vệ và thực hiện đề tài cấp cơ sở về tự động hóa thiết bị đo mưa. Năm 2005 được chấp nhận đề tài “Xây dựng hệ thống đo mưa thời gian thực tại lưu vực sông Ngàn Sâu-Ngàn Phố” (Hà Tĩnh). Các đề tài trên đã được nghiệm thu và đánh giá khá cao. Nhưng trong quá trình thực nghiệm tại các địa phương có địa hình phức tạp những công nghệ đo đạc dự kiến và truyền tin hữu tuyến (thế hệ 1) bộc lộ nhiều nhược điểm và cần phải chuyển sang công nghệ mới hiện đại hơn (thế hệ 2), đồng thời đáp ứng truyền tin hữu tuyến và vô tuyến (có thể sử dụng mạng truyền tin di động và vệ tinh Inmasat, Vinasat). Các sản phẩm đầu tiên của thế hệ thứ hai đã được hoàn thiện từ đầu năm 2006, sau đó được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá khả quan.
Các thiết bị đo mưa của thế hệ thứ hai qua từng bước thử nghiệm được cải tiến, hoàn thiện. Đến nay với phiên bản thứ 8, các tính năng của thiết bị đo mưa VH-022R đã đạt được yêu cầu dự kiến. Thiết bị đã được kiểm định chất lượng tại Trung tâm đo lường Việt Nam (cấp Nhà nước) và Trung tâm Mạng lưới KTTV&MT (cấp ngành) và đạt yêu cầu chất lượng đo đạc.
Xin ông giới thiệu vài nét sơ lược về thiết bị này?
Thiết bị đo mưa VH-022R gồm các bộ phận chính: bộ cảm biến lượng mưa, pin mặt trời, loa báo động, bộ giá lắp đặt; bộ hiển thị và xử lí số liệu VH-022R (Datalogger do Viện KTTV&MT chế tạo). Có hai phương án lắp đặt thiết bị: Một là các bộ phận của hệ thống thiết bị được lắp đặt ngoài trời, dùng cho những nơi không có nhà trạm. Nhược điểm là khi cần quan trắc mưa, bắt buộc quan trắc viên phải ra ngoài trời. Hai là lắp đặt bộ hiển thị và xử lý số liệu trong nhà trạm, rất tiện lợi cho quan trắc viên khi đọc số liệu mưa (không phải đi ra ngoài khi mưa gió).
Như vậy thiết bị này chỉ có mỗi chức năng chính là cảnh báo lũ quét?
Không. Thiết bị đo mưa VH-022R có 5 chức năng chính: cung số liệu lượng mưa tại điểm lắp đặt thiết bị; lưu trữ số liệu mưa trong vòng hơn 7 tháng; cung cấp nhanh chóng số liệu mưa thời gian thực về các máy tính trung tâm qua mạng thông tin di động; tiếp nhận các lệnh điều khiển và cung cấp thông tin qua điện thoại di động của các nhà quản lý... Nhờ tính năng này, dù bất cứ đâu chỉ với chiếc điện thoại di động các nhà quản lý có thể biết được diễn biến mưa tại vùng quan tâm; cảnh báo mưa lớn tại chỗ nhờ còi hú với nhiều cấp độ nguy hiểm dựa trên cường độ mưa. Đồng thời, khi có báo động thiết bị sẽ thông tin cảnh báo tới điện thoại của các nhà quản lý nhằm chủ động phương án phòng chống.
Phạm vi kiểm soát lượng mưa của thiết bị trong diện tích khoảng bao nhiêu, thưa ông?
Thiết bị đo mưa chỉ cho biết lượng mưa tại vị trí đặt máy. Với thiết bị VH-022R, vị trí đặt máy có vai trò quan trọng và cần tính toán khoa học vì lượng mưa đo được phải thể hiện tính chất mưa cho cả một vùng rộng khi có mưa lớn. Ngoài ra, để việc cảnh báo có hiệu quả cao, ngưỡng báo động được cài đặt cho thiết bị cần được tính toán cho địa điểm nơi đặt máy, có tính đến địa hình, địa chất, thổ nhưỡng và thảm phủ của địa phương.
Như vậy, đây là một loại thiết bị hoàn hảo nhất với các tính năng kể trên?
Hoạt động của thiết bị VH – 022R phụ thuộc nhiều vào mạng điện thoại di động nên không phát huy hết khả năng khi lắp đặt tại các nơi chưa phủ sóng di động, lúc này thiết bị hoạt động độc lập, không kết nối được. Hoặc khi mạng di động bị rớt sóng hay nghẽn mạng thì mọi giao tiếp từ xa với thiết bị sẽ bị gián đoạn.
Thế còn so với những thiết bị có những tính năng tương tự nhập ngoại thì sao?
Vì đây là sản phẩm do chúng ta làm chủ công nghệ nên giá thành rẻ hơn, việc bảo hành nhanh chóng với chi phí thấp, khi cần thiết có thể nâng cấp. Hơn nữa, chúng tôi đã “nhiệt đới hoá” thiết bị cho phù hợp với môi trường ở ta, đặc biệt có thể hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có thiết bị nhập ngoại nào có tất cả các tính năng trong một thiết bị duy nhất như VH-022R.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện
Đọc toàn bộ bài viết trên Báo Bưu điện Việt Nam số 48 ra ngày 16/6/2008