
Những ý kiến này được nêu ra tại Hội nghị tuyển sinh cao đẳng, trung cấp do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng ngày 16/5.
Trường nghề lo đại học ‘hút’ hết thí sinh
Bà Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, cho biết việc tuyển sinh của các trường nghề hiện nay gặp khó khăn do tâm lý “chuộng bằng cấp”. Hầu hết học sinh đều muốn vào đại học, còn phụ huynh cũng tự hào hơn khi con đỗ đại học thay vì cao đẳng. Trong khi đó, chuẩn đầu vào của đại học hiện nay, có những trường “cực kỳ thấp”. Học sinh trung bình cũng có khả năng đỗ đại học.
“Nhiều phụ huynh cho con vào đại học, không cần quan tâm trường đó thế nào, ngành nghề theo học có phù hợp không, cứ học xong rồi tính”, bà Thu nói.
Ông Đặng Việt Xô, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, cũng nhìn nhận những khó khăn tương tự. Ông cho rằng, hiện nay nhiều trường đại học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đào tạo, nhưng người học vẫn đổ xô vào.
Thậm chí, vì phương thức tuyển sinh đại học hiện nay đa dạng (khoảng 20 phương thức), học sinh có nhiều cơ hội vào nên dù biết khó xin được việc vẫn học. Điều này đã khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Ông dẫn chứng năm 2024, theo thống kê có khoảng hơn 551.000 em vào đại học. Trong khi đó, ở cả bậc cao đẳng và trung cấp, số chỉ tiêu năm 2025 cũng chỉ khoảng 530.000.
“Con số này cho thấy sự mất cân đối giữa các trình độ đào tạo hiện nay. Đáng lý giáo dục đại học đào tạo tinh hoa, chỉ nên tuyển ở mức độ nào đó, còn lại phải dành cơ hội cho giáo dục nghề nghiệp”, ông nói và đề xuất Bộ GD-ĐT cần có phương án đảm bảo cân đối, thắt chặt chất lượng tuyển sinh đại học, đồng thời cần có hướng dẫn, tư vấn cho các em “trượt đại học có thể vào cao đẳng”, trong bối cảnh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đã “về chung một nhà”.
Còn theo ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, dù hiện nay theo thống kê, hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm, nhưng việc tuyển sinh vẫn rất khó khăn.
“Những năm qua, trường đã cố gắng tuyển sinh theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó có việc rồng rắn gõ cửa các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên mới có thể tiếp cận trực tiếp được với người học. Hình thức này tốn kém chi phí nhưng cũng không thực sự hiệu quả”, ông Khánh nói.
Trước hết phải nhìn nhận lại mình, phải thay đổi từ cách tư duy
Trước chia sẻ của các lãnh đạo trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, ông biết hết những khó khăn này, kể cả những điểm nghẽn nhiều năm không được giải quyết. Nhưng ông cũng cho rằng, các trường cần phải nhìn nhận lại mình, trước hết phải thay đổi từ cách tư duy.
“Các trường vẫn nhìn từ phía mình, về khó khăn trong tuyển sinh và số chỉ tiêu tuyển được, nhưng chưa ai nhắc tới vì sao trường nghề tồn tại và sứ mệnh là gì.
Giáo dục nghề nghiệp tồn tại là để đào tạo con người, cung cấp nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Do đó, các nhà trường phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, mang lại giá trị tốt hơn cho người học. Làm được hai việc này, số lượng tuyển sinh sẽ tăng lên”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng các trường không nên đặt vấn đề ngược lại là làm thế nào để tăng số lượng trước.
“Các trường đề xuất siết đại học, có những truyền thông không phù hợp, chẳng hạn nói hiện nay đang “thừa thầy thiếu thợ”, đề cao trường nghề để hạ thấp đại học, nói “học đại học ra không có việc làm”. Đây là tiếp cận không đúng và cũng không thể tiến xa nếu cứ tiếp cận như thế”.
Để cải thiện tình hình tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị các trường cần thay đổi tư duy “làm tốt giáo dục nghề nghiệp để làm tốt việc phân luồng, chứ không phải phân luồng để tăng người học giáo dục nghề nghiệp”.
Ngoài ra, các trường cần tư vấn, cung cấp thông tin tin cậy, minh bạch để học sinh có sự lựa chọn. Muốn học sinh tin cậy, trước hết cần phải có số liệu cụ thể.
“Các trường phải cho người học thấy lợi ích khi theo học, công việc tương lai, mức lương ra sao. Dễ nhất thì hãy coi các em là con em mình để tư vấn, đừng coi họ là người mình phải “lùa” vào, sẽ không bền và kéo nhau cùng đi xuống”, ông nói.
