su-kien-ICT.jpg

Vở kịch tay ba Microsoft – Yahoo – Google

Yahoo-Microsoft.jpg

Sự kiện gây chấn động đầu tiên là việc Microsoft chính thức đề nghị mua đứt Yahoo với giá 44,6 tỷ USD, tương đương 33 USD/cổ phiếu. Yahoo liên tiếp cự tuyệt, đòi giá không thấp hơn 40 USD/cổ phiếu. Microsoft sau khi nhượng bộ tăng giá mua lên 37 USD/cổ phiếu mà Yahoo vẫn kênh kiệu đã rũ tay luôn khỏi vụ này.

Có một nhân vật giấu mặt trong thương vụ này mà ai cũng biết là Google. Khao khát mua Yahoo của Microsoft không gì khác là để bắt kịp Google trong mảng tìm kiếm web và quảng cáo trực tuyến. Để thoát khỏi Microsoft, Yahoo tính liên minh với Google. Tuy nhiên, ý đồ của Yahoo đã không thành bởi có nhiều nhóm hoạt động và Bộ Tư pháp Mỹ phản đối, cho rằng đó là hành động phản cạnh tranh. Kinh doanh sụt giảm, cổ phiếu mất giá mạnh, CEO Jerry Yang buộc phải từ nhiệm ngay cả khi Yahoo chưa tìm được người thay thế. Báo chí Mỹ bình luận quyết định không bán cho Microsoft của Yahoo là một trong những quyết định kinh doanh ngu ngốc nhất.

Scandal tung ảnh sex Trần Quán Hy lên mạng

quan-hy.jpg

Vào đúng dịp Tết nguyên đán của người Đông Á, tức cuối tháng 1/2008, cộng đồng mạng toàn cầu, đặc biệt là châu Á “sốc” với vụ “ảnh sex Trần Quán Hy”. Khoảng 1.300 bức ảnh sex của nam tài tử Hồng Kông Trần Quán Hy với các nữ diễn viên nổi tiếng Hồng Kông như Chung Hân Đồng, Trương Bá Chi, Thư Kỳ… bị tung lên mạng. Vụ này khiến Trần Quán Hy buộc phải từ giã làng điện ảnh Hồng Kông trong lúc sự nghiệp đang ở đỉnh cao và làm nhiều nữ diễn viên điêu đứng. Điều gây sốc đối với các fan nữa là hầu hết các nữ minh tinh Hồng Kông đều bị cho là đối tác trong ảnh sex của Trần Quán Hy.

Công cụ tìm kiếm Internet số 1 Trung Quốc là Baidu.com bị nhà chức trách Trung Quốc khiển trách vì “giúp” phát tán ảnh sex của Trần Quán Hy. Vụ việc này càng dấy lên mối lo ngại về sự riêng tư trên mạng, quản lý nội dung Internet. Năm 2008 cũng là năm Trung Quốc mạnh tay với các web “đen”.

Netbook: từ Asus đến Apple

netbook.jpg

Từ netbook bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng 2/2008. Khởi đầu cho phong trào sản xuất netbook là hãng máy tính Đài Loan Asustek với Eee PC 701, màn hình 7 inch. Netbook được định nghĩa là thiết bị truy cập Internet di động, giá rẻ (dưới 500 USD), nhỏ, nhẹ. Tuy nhiên, càng ngày netbook càng có cấu hình mạnh hơn, màn hình lớn hơn và mức giá cũng cao hơn. Ban đầu, các nhà sản xuất netbook nhắm đến thị trường các nước đang phát triển và khách hàng muốn có thêm chiếc laptop thứ hai ở các nước phát triển. Netbook thậm chí lấn át của laptop và PC. Hiện hầu hết các hãng sản xuất máy tính như HP, LG, Toshiba, Dell, Lenovo… đều có sản phẩm netbook. Hãng Apple chuyên sản xuất laptop cao cấp cũng có thể tung ra netbook vào năm 2009.

Intel ra mắt chip Atom

intel_atom.jpg

Ngày 2/4, Intel đã giới thiệu bộ vi xử lý Intel Atom mới, có tốc độ xử lý lên tới 1,86 GHz. Atom được thiết kế dành cho các thiết bị Internet di động (MID) và thực tế là cú huých cho netbook; hy vọng của điện thoại thông minh, các thiết bị di động khác. Đặc trưng nhất của Atom là khả năng tiết kiệm điện. Intel Atom hiện là bộ vi xử lý nhanh nhất trong dòng sản phẩm có mức tiêu thụ điện năng dưới 3 watt. Tiết kiệm năng lượng được đặt ra gay gắt trong năm 2008: là một trong những yếu tố quyết định mua sắm của người tiêu dùng.

Android và cuộc đua hệ điều hành di động mở

androidpng

Tháng 11/2007, Google thành lập liên minh Open Handset Alliance gồm các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động, nhà sản xuất ĐTDĐ, hãng phần mềm và nhà sản xuất chip. Android là nền tảng được phát triển dựa trên hệ điều hành mở Linux và lần đầu tiên được công bố vào ngày 5/11/2007. Tháng 10/2008, chiếc điện thoại dùng hệ điều hành Android đầu tiên do hãng HTC sản xuất mới được T-Mobile bán trên thị trường. Android được xem là nhân tố thúc đẩy xu hướng “mở” đối với các ứng dụng trên ĐTDĐ. Apple trong năm 2008 đã kêu gọi các lập trình viên phát triển ứng dụng cho iPhone, Nokia mua đứt Nhóm Symbian và dự tính chiếc di động đầu tiên chạy trên nền tảng nguồn mở Symbian vào năm 2010.

Apple gặp tai bay vạ gió vì CNN và Bloomberg

apple.jpg

Hôm 3/10, một bài viết đăng trên iReport.com nói CEO Steve Jobs của Apple bị đau tim phải cấp cứu. Tin này đã khiến cổ phiếu Quả Táo giảm 10,3% giá trị, tức mất khoảng 9 tỷ USD. iReport.com là một trang web báo chí công dân của kênh truyền hình Mỹ CNN, chuyên xuất bản bài viết do độc giả gửi đến mà không yêu cầu người dùng đưa danh tính thật khi đăng ký.

Trước đó, vào tháng 8, hãng tin Bloomberg bất ngờ đăng cáo phó ông Steve Jobs dài 17 trang trên website của mình. Không những thế, bản cáo phó còn nói nhận định của Gene Munster từ Hãng Piper Jaffray & Co rằng cổ phiếu Apple sẽ giảm đến 25% sau khi Steve ra đi.

Khủng hoảng tài chính làm ngành CNTT điêu đứng

khung-hoang.jpg
Khủng hoảng tài chính khiến nhiều cổ phiếu công nghệ rớt giá mạnh

15/9/2008, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) tuyên bố phá sản, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các hãng CNTT, kể cả đại gia Google, Yahoo, Apple, Microsoft đều lần lượt hứng chịu tác động. Ngoài giá cổ phiếu rớt thảm hại, các công ty lần lượt tuyên bố sa thải nhân viên: Yahoo, Google, Sun Microsystems, AT&T… Theo dự báo, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến khoảng 180.000 nhân viên CNTT mất việc trong năm 2008. Nhiều nhà phân tích lo ngại sự sống còn của các công ty web mới thành lập gặp khó do quỹ đầu tư thu hồi hoặc không bơm thêm vốn.

Lỗ hổng DNS khiến cả thế giới giật mình

dns.jpg

Tháng 7/2008, những thông tin đầu tiên về lỗ hổng nghiêm trọng của hệ thống phân giải tên miền (DNS) khiến cả thế giới lo ngại. Lỗi DNS có thể bị lợi dụng để đoạt quyền quản lý cả máy chủ thư điện tử, hệ thống nâng cấp phần mềm và thậm chí là cả hệ thống phục hồi mật khẩu người dùng ứng dụng trên một số máy chủ website. Theo một chuyên gia bảo mật Symantec, với lỗi DNS tin tặc có thể chuyển hướng truy cập của người dùng đến những trang web giả mạo để cài phần mềm mã độc vào máy tính của họ. Tại Việt Nam, đến cuối tháng 7, các cơ quan sở hữu hệ thống DNS lớn là các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã vá thành công lỗ hổng này và may mắn là không có thiệt hại nào lớn đã xảy ra.

Điện toán đám mây được mùa 

dammay.jpg
Google và Microsoft đang chạy đua về điện toán đám mây

2008 được xem là năm khởi sắc của điện toán đám mây (còn gọi là điện toán cụm ảo), đặc biệt trong môi trường khủng hoảng tài chính. Mô hình điện toán đám mây cho phép các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân truy cập từ xa (như là truy cập vào các trang web) đến các nguồn tài nguyên điện toán khổng lồ tại trung tâm điện toán đám mây, từ đó tùy theo nhu cầu cụ thể mà các dịch vụ sẽ được cung cấp cho khách hàng.

Ngày 24/10, IBM công bố thành lập trung tâm điện toán cụm ảo tại văn phòng IBM Hà Nội và IBM TP. HCM. Đây được xem là trung tâm điện toán cụm ảo đầu tiên của Việt Nam, cũng là trung tâm đầu tiên tại khu vực ASEAN. Hiện Google, Microsoft đang chạy đua để tạo điện toán đám mây và đây được dự đoán là một xu hướng công nghệ lớn của tương lai.