Hiện Việt Nam đã tham gia 2 FTA thế hệ mới với Vương quốc Anh là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA). Sự kết hợp nội dung và cách tiếp cận của cả 2 hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước khai thác tối đa cơ hội thương mại và đầu tư, trong đó có xuất khẩu tôm sang Vương quốc Anh.
Tôm chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ thủy sản tại thị trường Anh. Đối với khu vực nhà hàng hay dịch vụ ăn uống, tôm cũng là nguyên liệu khá phổ biến, với khoảng 61% các cơ sở kinh doanh này tại Anh. Ngoài ra, tôm cũng được ưa chuộng trong các nhà hàng Ấn Độ, Trung Quốc, với các món cuốn, súp, há cảo, màn thầu…
Tại thị trường Anh, Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất và tôm Việt Nam phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ấn Độ và Ecuador.

Với lợi thế về thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng tôm, đã tạo được lợi thế cạnh tranh tại thị trường này so với các đối thủ khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil… do các nhà cung cấp này chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với Anh.
Cụ thể, đối với tôm, nhờ Hiệp định UKVFTA có cơ chế tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), hầu hết các loại tôm nguyên liệu Việt Nam xuất khẩu sang Anh đều được giảm thuế nhập khẩu từ 10 – 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Để được hưởng thuế ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA, các sản phẩm thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến của Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ thuần túy, tương tự với EVFTA.
Theo đó, thuỷ sản thô, sơ chế và thuỷ sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo UKVFTA khi nguyên liệu thuỷ sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần tuý từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài hiệp định.
Người tiêu dùng Anh luôn lựa chọn những sản phẩm có những tiêu chuẩn cao do các cơ quan chức năng ở Anh và EU cấp về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc, tính bền vững của sản phẩm, thân thiện với môi trường và tiện dụng.
Vì vậy, để có thể tăng mạnh thị phần thủy sản nói chung và tôm nói riêng ở thị trường Anh, các sản phẩm Việt Nam cần phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hình thức và khẩu vị. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng, nghiên cứu kỹ các quy định và tiêu chuẩn của thị trường.
Bước sang tháng 1/2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam đi thị trường Anh vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng của năm 2024.
Anh là thị trường đơn lẻ lớn thứ 6 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5,5% trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Tôm cũng là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất (70%) trong tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh.
Sản phẩm tôm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh có thể kể đến như tôm chân trắng bóc vỏ, bỏ đuôi đông lạnh, tôm chân trắng PD đông lạnh, tôm chân trắng hấp, luộc đông lạnh, tôm chân trắng tươi, đông lạnh, tôm chân trắng tẩm bột xù…