Mới đây UBND tỉnh Bình Định đã có Công văn số 6251/UBND-VX ngày 15/11/2017 về việc báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Đây là việc theo Công văn số 3749/BKHCN-CNC ngày 7/11/2017 của Bộ Khoa học & Công nghệ về việc báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Theo đó UBND tỉnh Bình Định giao Sở Khoa học & Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg theo hướng dẫn của Bộ Khoa học & Công nghệ, gửi Vụ Công nghệ cao thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ và UBND tỉnh.
Như đã biết trong Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nêu không ít các giải pháp cụ thể, trong đó trước hết rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo đó các địa phương như Bình Định cần rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh.
Một giải pháp khác là rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát các công nghệ sản xuất mới, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó các cơ quan, ban ngành, địa phương cần tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như có cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp với tôn chỉ doanh nghiệp là trung tâm.
Đơn vị cần đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có chính sách để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước.
Và giải pháp nữa là nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Những bước hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 ở các địa phương như Bình Định dù vẫn sơ khai nhưng sẽ rất cần thiết. Trong Hội thảo khoa học "Đổi mới sáng tạo phát triển bền vững vùng và địa phương trong bối cảnh mới" do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không muốn tụt lại phía sau, Việt Nam không còn còn đường nào khác là đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả.
TS Bùi Đức Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, từ một nước nghèo trở thành một nước trung bình, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, Việt Nam đã tiệm cận tới ngưỡng của mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên và nhân công giá rẻ. Vì vậy, cần phải tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn nữa trong các thập kỷ tới mới có khả năng giải quyết được các thách thức phát triển đang đặt ra hiện nay.
Những động thái mới đây trên thế giới cho thấy, đổi mới sáng tạo đang nổi lên như là nhân tố chen chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia; chỉ có đổi mới sáng tạo, con người mới giải quyết được những thách thức lớn trong thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu, an ninh sinh thái, an ninh năng lượng, an ninh lượng thực, khủng hoảng về mô hình phát triển.
Ông Bùi Đức Hùng cho rằng, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển có thể bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu họ có chiến lược và đối sách đổi mới sáng tạo. Như Thủ tướng Chính phủ đã từng khẳng định, "cách mạng 4.0 chính là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc ta".
"Tuy nhiên, sẽ không có một hình mẫu chung về sự đổi mới sáng tạo cho tất cả, mà mỗi quốc gia phải linh hoạt, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, của từng vùng và từng địa phương, của từng lĩnh vực", ông Bùi Đức Hùng khẳng định.
Một tín hiệu tích cực của sự nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Bình Định là vừa qua ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân tỉnh Bình Định, Trung tâm Thông tin & Thống kê khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định) đã tổ chức tập huấn cho gần 40 cán bộ tại 2 xã Ân Tín và Ân Thạnh của huyện Hoài Ân về khai thác sử dụng thông tin khoa học và công nghệ.
Mục tiêu của lớp tập huấn là nâng cao năng lực khai thác thông tin khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Đây là một nhiệm vụ mà thông qua mạng lưới cung cấp thông tin khoa học và công nghệ Trung tâm được Sở Khoa học và Công nghệ giao trong nhiệm vụ xây dựng mạng lưới thông tin năm 2017.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đưa tin, phát biểu khai mạc lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Tình - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin & Thống kê khoa học và công nghệ nhận định với sự phát triển của CNTT và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, thông tin khoa học và công nghệ ngày càng được thể hiện rõ là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự phát triển sản xuất, nâng cao năng suất thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Tín thì chia sẻ việc xây dựng trang thông tin để giới thiệu quê hương con người cũng như sử dụng khai thác thông tin khoa học và công nghệ vào sản xuất bền vững, nâng cao đời sống văn hóa là vô cùng ý nghĩa. Lớp tập huấn trang bị cho cán bộ và bà con ở 2 xã Ân Tín, Ân Thạnh cách khai thác sử dụng các thông tin khoa học và công nghệ thông qua mạng lưới thông tin để ứng dụng trong quản lý, sản xuất và canh tác.
Việc hình thành mạng lưới thông tin khoa học và công nghệ ở Bình Đình giúp hình thành kênh trao đổi hai chiều giữa các thành viên trong mạng lưới, làm cầu nối để giúp người có nhu cầu sử dụng thông tin tại các địa phương của tỉnh dễ dàng tiếp cận thông tin tiến bộ về khoa học và công nghệ, rút ngắn khoảng cánh giữa nghiên cứu và ứng dụng, đưa nghiên cứu đến gần với người dùng, đồng thời giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, cũng như di tích, thắng cảnh tại địa phương.